Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa khai mạc với khối lượng nội dung chương trình rất lớn. Ngoài xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và các báo cáo về công tác của ngành tư pháp, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa quy định của Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống.
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành khoảng 70% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, với việc xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 12 dự án luật. Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp nhiều nhất từ trước đến nay.
Làm sao để người dân đón nhận luồng gió mới từ tinh thần sửa đổi Hiến pháp, mà trước hết là các quy định của pháp luật chặt chẽ, rõ ràng, tạo điều kiện, giải phóng được năng lực sản xuất và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, chính là điều được các đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm.
Các cấp đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn (Ảnh minh họa)
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy người dân chưa thực sự hài lòng khi các quy định pháp luật còn chồng chéo và nhiều chỗ còn sơ hở, thậm chí tạo ra nhiều cách hiểu dẫn đến bất cập trong giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế. Đó cũng là thách thức mà cử tri mong muốn các đại biểu nơi nghị trường, các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra dự án luật, bằng tâm huyết và trí tuệ của mình giải quyết một cách triệt để, rốt ráo, để tinh thần Hiến pháp mới thực sự vào cuộc sống, để “tuổi thọ” của các quy định pháp luật được kéo dài, tránh bổ sung, sửa đổi nhiều lần.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: Người dân kêu ca có phải hoàn toàn do luật phức tạp? Câu trả lời là Không, bởi trong thực thi pháp luật, Tâm và Tầm của người cán bộ có ý nghĩa quyết định đến đúng- sai, nhanh- chậm trong giải quyết một vấn đề cụ thể. Điều này cũng thể hiện rõ qua các báo cáo, đặc biệt là của các thành viên Chính phủ, khi một trong các nguyên nhân của hạn chế luôn được nêu ra là yếu tố nhân lực; hay những điều tra về cải cách hành chính công.
Tại hội nghị các đại biểu hoạt động chuyên trách cho ý kiến về một số vấn đề lớn trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, ý kiến đại biểu bày tỏ, các luật thông qua, sửa đổi, bổ sung lần này phải tạo đột phá, nâng cao quản lý Nhà nước, để cán bộ “hết đất làm ăn”.
Đại biểu Trần Du Lịch từng nêu ý kiến: Luật pháp nước Mỹ cực kỳ phức tạp, đến mức không ai kinh doanh mà không cần luật sư, nhưng tại sao họ không kêu ca mà luật ta không nghiêm nhưng vẫn bị kêu ca? Nguyên nhân là Luật người ta quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, không ai hiểu khác, là chỗ dựa để người dân làm ăn. Điều rất quan trọng là bộ máy hành chính làm công tâm, dùng quy định tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, lợi cho đất nước, chứ không dùng quy định để “làm ăn”.
Nhiều dự thảo luật trình Quốc hội lần này được đánh giá là “lấp lánh nhiều điểm sáng”, đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng sửa luật mà mỗi bộ phận trong bộ máy hành chính chưa thực sự vì dân, thì luồng gió mới từ tinh thần Hiến pháp 2013 đến được với người dân vẫn sẽ còn hạn chế./.