Chiều 9/5, Hội luật gia khẳng định việc Trung Quốc ra điều kiện đàm phán là vô lý, Việt Nam có đủ bằng chứng pháp lý kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hành động xâm phạm thềm lục địa Việt Nam.
Trong cuộc họp báo ra tuyên bố "cực lực phản đối" việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, đại diện Hội Luật gia Việt Nam, Phó chủ tịch Lê Minh Tâm phân tích, khu vực giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc và Luật biển năm 1982.
|
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh:Thanh Tùng.
|
"Việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp Quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam", tuyên bố của Hội Luật gia khẳng định. Các hành động này cũng đi ngược lại tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.
Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp phát và rút hết giàn khoan HD-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Thế mạnh pháp lý
Trước việc Trung Quốc cho rằng hạ đặt giàn khoan và huy động lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có tàu quân sự là “hoạt động tác nghiệp bình thường” khi thăm dò, khai thác, Hội Luật gia Việt Nam coi đây là hành động "hết sức vô lý".
Việt Nam thăm dò, khai thác dầu trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình theo đúng quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác. "Trong khi Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương của Trung Quốc", tuyên bố nêu.
|
Ông Trần Công Trục: "Đây là thái độ nham hiểm, được tính toán kỹ, Việt Nam cần phải hết sức chú ý". Ảnh: Thanh Tùng.
|
Có mặt tại buổi họp báo, luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho hay, giàn khoan HD-981 được đặt cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý, cách ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế 80 hải lý. "Rõ ràng đây không phải là vùng chồng lấn, không liên quan gì đến Tây Sa (Hoàng Sa) mà Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép".
Căn cứ Luật Biển quốc tế năm 1982, với các quy định cho phép các quốc gia ven biển mở rộng vùng biển thì đây hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. "Rõ ràng Trung Quốc vi phạm. Cần phải khai thác thế mạnh pháp lý của chúng ta", ông nhấn mạnh.
Theo ông Trục, Trung Quốc đã lợi dụng công ước, biến những vùng không tranh chấp thành tranh chấp để thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào thời điểm quốc tế có nhiều vấn đề bất ổn. Các nước trong khu vực dù đã thống nhất rồi nhưng vẫn còn những chia rẽ.
"Đây là thái độ nham hiểm, được tính toán kỹ, Việt Nam cần phải hết sức chú ý", vị cựu trưởng ban Biên giới Chính phủ cho hay.
Trả lời câu hỏi "Chúng ta cần có những biện pháp cứng rắn hơn không?", luật gia Lê Minh Tâm cho biết, thế mạnh của Hội là phân tích, lý giải các vấn đề pháp lý. Việc sử dụng biện pháp như thế nào cần sự tư vấn của các tổ chức khác. Chúng ta phải có giải pháp mạnh mẽ và khẳng định hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp, công ước quốc tế.
Khả năng thắng kiện tại tòa án quốc tế
Trong công ước đã đề cập chế tài để các bên với tư cách thành viên đưa những vấn đề đó lên tài phán. Philippines trước đó đã đệ trình lên quốc tế và đạt được sự đồng tình ủng hộ của các nước.
"Việt Nam sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết. Đây là việc làm bình thường, đúng đắn, văn minh trong xã hội hiện đại", ông Trục nói.
Ông Trục cho rằng Việt Nam nên đưa vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép này ra trọng tài quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế vì có đầy đủ căn cứ pháp lý, đầy đủ cơ sở khởi kiện. "Chúng ta chắc chắn sẽ thắng", ông tin tưởng.
Tuy nhiên, luật gia này cũng dự đoán việc kiện tụng sẽ kéo dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là khía cạnh pháp lý, chân lý... Do vậy theo ông "cần kiên trì, có thể nói với thế giới rằng Việt Nam có niềm tin với chân lý".
Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi giới luật gia thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Hội Luật gia Việt Nam sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Trước đó, trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội chiều 7/5, các quan chức Việt Nam đã công bố các video cho thấy tàu Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay, hung hăng ngăn cản tàu Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ. Khi tàu Việt Nam ra bảo vệ chủ quyền, tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và làm bị thương 6 kiểm ngư viên Việt Nam.
|
Tàu của cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm gây thiệt hại phải đưa về sửa chữa. Ảnh: Văn Nguyễn.
|
Theo ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia, Trung Quốc triển khai 80 tàu quanh giàn khoan, số lượng tàu đang tăng lên hàng ngày, gây căng thẳng trong khu vực. Trong số này có 7 tàu quân sự, 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, nhiều tàu cá và tàu phục vụ.
Tổng cộng có 8 tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị đâm, húc, đẩy hoặc phun vòi rồng áp lực lớn, có những lúc một tàu của Việt Nam bị 5 tàu Trung Quốc vây quanh.
"Lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam đã hết sức kiên trì và kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc ở trên biển nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng tôi sẽ có những hành động tự vệ đáp lại", ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nói.