Luật sư kiến nghị khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở NHNN, kiến nghị tuyên ông Kiên không phạm tội cố ý làm trái.
Bước sang ngày làm việc thứ 8, sáng 28/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư của Nguyễn Đức Kiên.
Luật sư Vũ Xuân Nam bổ sung thêm phần bào chữa về tội 'Trốn thuế' mà Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc cho rằng: bị cáo Kiên đã trình bày, giám định viên đã quên chế độ miễn giảm 30% thuế mà cty B&B được hưởng trong năm 2009.
|
Luật sư Vũ Xuân Nam |
Luật sư nêu thắc mắc: Liệu vấn đề này có được thẩm tra làm rõ không? Nếu trích lập dự phòng rủi ro thì B&B sẽ bị lỗ và không phải phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Điều này có chứng minh được không?
Trong phần bào chữa bổ sung tội 'Kinh doanh trái phép' mà bị cáo Kiên bị truy tố, luật sư Hoàng Đôn Hùng đưa ra hàng loạt văn bản mà theo luật sư, đó là chứng cứ trong việc kinh doanh trái phép giữa một số doanh nghiệp với Ngân hàng.
Các doanh nghiệp này không có
đăng ký kinh doanh thể hiện góp vốn, cổ phần, cổ phiếu nhưng vẫn thực hiện góp vốn cổ phần.
|
Luật sư Hoàng Đôn Hùng |
Bào chữa hành vi 'Cố ý làm trái' mà ông Kiên bị cáo buộc, luật sư Hùng trình bày: VKS đã không cập nhật diễn biến, lời khai chứng cứ tại tòa, bút lục không được trích dẫn đầy đủ, đại diện VKS chỉ đưa ra một nửa sự thật.
“Chúng tôi không hiểu tại sao các bị cáo lại bị ràng buộc vi phạm thêm QĐ 742. Chúng tôi khẳng định quyết định ngày 22/3/2010 là đúng quy định pháp luật tại thời điểm ban hành. Việc ủy thác gửi tiền của ACB không vi phạm Điều 106, Luật Các tổ chức tín dụng 2010”, lời luật sư.
Vẫn theo luật sư Hùng, NHNN không có văn bản nào quy định ngân hàng thương mại không được thực hiện nghiệp vụ ủy thác khi không có hướng dẫn của NHNN.
Đại diện NHNN cũng xác nhận công văn 350 chỉ mang tính chất lưu hành nội bộ. Luật sư nhấn mạnh, chưa phù hợp không có nghĩa là vi phạm pháp luật.
“Đại diện NHNN có ý kiến rằng ACB không được ủy thác khi không có giấy phép của Nhà nước, như vậy mâu thuẫn với công văn 350”, luật sư trình bày.
Luật sư cho Hùng rằng, chính NHNN lúng túng, và đặt nghi ngờ 'phải chăng Công văn 350 xác định ACB được quyền ủy thác?'.
Theo trình bày của luật sư, ACB yêu cầu ngân hàng Công thương trả cả gốc lẫn lãi số tiền các nhân viên gửi. Ngân hàng công thương có nhiều vi phạm để Huyền Như làm sai trong thời gian dài với hàng trăm lần thực hiện, với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Hậu quả là ACB phải gánh chịu. ACB đã khởi kiện yêu cầu ngân hàng công thương trả tiền sau khi Huyền Như bị bắt.
Luật sư cho rằng, vụ án này xác định là đại án tham nhũng là không đúng bản chất, bởi không hề có tội danh nào liên quan đến tội tham nhũng.
“Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ quyền hạn đã làm sai để trục lợi cá nhân. Ông Kiên không có tư lợi cá nhân mà coi là đại án tham nhũng là tạo định kiến cho xã hội”, luật sư đưa ra quan điểm.
Cuối phần bào chữa của mình, luật sư Hùng cho rằng NHNN đã thiếu trách nhiệm khi không cảnh báo, nhắc nhở, không xử lý sai phạm việc ủy thác gửi tiền của các ngân hàng, dẫn đến các bị cáo bị truy tố tội danh 'Cố ý làm trái'.
Từ ý kiến này, luật sư Hùng kiến nghị khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở NHNN, kiến nghị tuyên Nguyễn Đức Kiên không phạm tội 'Cố ý làm trái'.
9h45 phiên tòa tạm nghỉ.
T.Nhung