Nhiều cá nhân, tổ chức tranh thủ kẽ hở trong quy định pháp luật để bán cổ phần và trốn thuế
Cục Thuế TP HCM vừa có quyết định truy thu và phạt một số cá nhân không kê khai, nộp đầy đủ thuế trong chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Y khoa Hoàn Mỹ và Công ty Thương mại - Dịch vụ Phở 24 (Công ty Phở 24) với tổng số tiền hơn 182 tỉ đồng. Điều này cho thấy việc quản lý thuế thu nhập đang có nhiều bất cập, gây thất thoát tiền ngân sách.
Tiền trốn thuế lớn
Theo quy định, cơ quan có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp (DN) chỉ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu vốn cổ phần cho tổ chức, cá nhân khi bên chuyển nhượng có chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân. Thế nhưng thực tế, các cá nhân chuyển nhượng vốn chưa kê khai, chưa có chứng từ nộp thuế vẫn được cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư làm thủ tục chuyển quyền sở hữu vốn cổ phần.
Tranh thủ kẽ hở này, một số cá nhân, tổ chức đã bán vốn góp cổ phần rồi tiến hành trót lọt các thủ tục chuyển quyền sở hữu để trốn thuế. Cụ thể, năm 2007, tại Công ty Phở 24, một số cá nhân đã bán cổ phần cho người khác mà không kê khai và nộp thuế đầy đủ. Tương tự, một cá nhân tại Công ty CP Y khoa Hoàn Mỹ cũng chuyển nhượng vốn cổ phần cho một tổ chức vào năm 2011. Trước tình hình trên, cơ quan thuế đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng thanh tra hàng loạt DN có chuyển nhượng vốn góp cổ phần. Kết quả, Cục Thuế TP HCM quyết định truy thu và xử phạt 6 cá nhân Công ty Phở 24 hơn 16 tỉ đồng và một cá nhân tại Công ty CP Y khoa Hoàn Mỹ 166,2 tỉ đồng.
Bao giờ thu được tiền?
Một cán bộ của Cục Thuế TP cho biết để thu hồi số tiền trên, thông thường, cơ quan thuế sẽ ban hành quyết định nộp thuế và tiền phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cá nhân nhận được quyết định, đồng thời cá nhân đó có thêm 90 ngày gia hạn nộp thuế. Sau thời hạn này, cơ quan thuế sẽ tiến hành cưỡng chế theo hướng trích tiền từ tài khoản của người bị cưỡng chế tại các ngân hàng, yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; kê biên bán đấu giá tài sản và tài sản khác của người bị cưỡng chế mà các tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ… để thu tiền thuế, tiền phạt.
“Theo luật, nếu cá nhân bị ra quyết định phạt, truy thu thuế mà không thực hiện đóng phạt, truy thu theo đúng thời hạn sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có biểu hiện khai man, trốn thuế số tiền lớn” - luật sư Nguyễn Thành Kính, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, nói.
Tuy nhiên, do số tiền truy thu của 2 DN trên tương đối lớn, một số cá nhân đang định cư ở nước ngoài nên nhiều người quan ngại cơ quan thuế rất khó thu hồi. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, người đã sống ở nước ngoài nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì Chính phủ Việt Nam có thể phối hợp với quốc gia sở tại để truy thu, triệu tập cá nhân đó về nước nộp thuế. Thế nhưng, điều này thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào các hiệp ước song phương giữa Việt Nam với quốc gia đó.
Buông lỏng thời gian dài
Tháng 8-2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, từ ngày 1-7-2013, cá nhân chuyển nhượng vốn cổ phần thực hiện khai thuế theo từng lần chuyển nhượng không phân biệt có hay không phát sinh thu nhập. DN làm thủ tục chuyển quyền sở hữu vốn cổ phần mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì DN đó có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân. Với trường hợp của Công ty Phở 24 và Công ty CP Y khoa Hoàn Mỹ, một cán bộ Cục Thuế TP HCM cho rằng do các cá nhân tại 2 DN này đã bán vốn cổ phần trước khi Thông tư 111 có hiệu lực nên cơ quan thuế không thể buộc DN phải kê khai và đóng thuế thay cho cá nhân.
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng Phòng Pháp chế Cục Thuế TP HCM, cho biết quyết định truy thu thuế các cá nhân trong vụ chuyển nhượng vốn của Hoàn Mỹ và Phở 24 là do trước đây pháp luật về thuế thu nhập cá nhân còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho cá nhân lách thuế. Truy thu thuế từ 2 vụ chuyển nhượng vốn của Phở 24 và Hoàn Mỹ mặc dù có số tiền lên đến gần 200 tỉ đồng nhưng là con số rất nhỏ so với thực tế bởi từ năm 2007 đến nay, các thương vụ chuyển nhượng vốn bị buông lỏng. Chỉ đến khi Thông tư 111 hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực mới phần nào siết chặt hoạt động chuyển nhượng vốn.
“Của đổ hốt lại”
Theo một chuyên gia lĩnh vực thuế, tại Việt Nam, từ quyết định truy thu đến thu được tiền thuế là chặng đường rất dài, tinh thần là “của đổ hốt lại”. Thông thường, cơ quan thuế sẽ mời đối tượng bị truy thu thuế đến làm việc, nếu cá nhân đó không còn cư trú tại địa phương, đã định cư ở nước ngoài hay đơn giản hơn là có nhận giấy mời nhưng không hợp tác, không đến làm việc với cơ quan thuế thì cũng... huề cả làng. Về nguyên tắc, cơ quan thuế có thể kết hợp với cơ quan công an, ngân hàng, chính quyền địa phương... để thực hiện truy thu thuế nhưng việc phối hợp này chưa được triển khai thường xuyên, rốt ráo.
Theo Người Lao Động