Cập nhật lúc: 12/2/2013 3:03:51 PM

Nữ giám đốc 'đại náo' tòa án

Cho rằng "quyền lợi bị xâm hại", đến trễ 5 phút mà tòa đã tuyên án... nữ giám đốc là bị đơn trong vụ án dân sự đã "quậy" tưng bừng nơi xét xử khiến công an tỉnh Sóc Trăng phải tới can thiệp. 

Sáng 12/9, hàng trăm người tập trung trước TAND TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) theo dõi bà Nguyễn Thị Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Thu Ngọc) liên tục mắng chửi và vung tay dọa đánh thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình. Ông Bình là chủ tọa phiên tòa trong vụ bà Ngọc bị đối tác Lê Ngọc Phượng ở TP HCM kiện đòi 4 tỷ đồng vì không thực hiện đúng cam kết giao dịch bất động sản.

Theo hồ sơ vụ án, bà Ngọc mua nhà của ông Đặng Văn Muôn, được công chứng xác nhận hợp pháp vào ngày 6/2. Hai ngày sau, bà Ngọc bán căn nhà này cho ông Phượng và nhận 2 tỷ đồng tiền đặt cọc, thỏa thuận trong vòng một tháng, bà Ngọc phải hoàn tất thủ tục sang tên từ ông Muôn để ngày 8/3 đến phòng công chứng hoàn tất thủ tục mua bán với ông Phượng.

Hay tin ông Muôn bán nhà, ngày 21/2, vợ cũ của ông Muôn gửi đơn đến TAND tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu hủy bỏ giao dịch của ông Muôn và bà Ngọc. Người đàn bà 65 tuổi cho rằng "chồng cũ còn nợ tiền, đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm ông Muôn bán nhà". Dù sau khi ly hôn, ngày 27/2/2012, ông Muôn được TAND tỉnh Sóc Trăng quyết định có toàn quyền sử dụng, định đoạt căn nhà (được Chi cục Thi hành án TP Sóc Trăng xác nhận) nhưng thẩm phán Bình vẫn chấp nhận yêu cầu của bà vợ cũ, ra quyết định "khẩn cấp tạm thời" số 01 ngày 22/2.

Bị tòa cấm, ông Muôn không sang tên được cho bà Ngọc khiến nữ giám đốc bội tín với đối tác. Ông Phượng kiện đòi lại 2 tỷ đồng tiền cọc, đồng thời yêu cầu tòa buộc bà Ngọc "bồi thường thêm 2 tỷ đồng như cam kết". Vụ án này lại được thẩm phán Bình thụ lý.

Trước phiên xử, chiều 11/9, bà Ngọc với nguyên đơn đã gặp riêng và thỏa thuận thành công. Nội dung thỏa thuận là ngoài tiền cọc bà Ngọc phải trả, ông Phượng giảm tiền bồi thường (100% giá trị đặt cọc) xuống còn 1,9 tỷ đồng.

Sau phần thủ tục khai mạc phiên tòa, chủ tọa Bình giải thích các quyền của nguyên đơn, bị đơn, trong đó có quyền thỏa thuận với nhau để HĐXX công nhận sự tự nguyện hợp pháp. Cả nguyên đơn và bị đơn trình bày vừa thỏa thuận xong nhưng sự thỏa thuận của họ không được HĐXX chấp nhận. Vì vậy, ông Bình tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

Đúng 8h ngày 12/9, HĐXX tuyên chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn về nội dung đòi lại 2 tỷ đồng đặt cọc, bác yêu cầu buộc bà Ngọc bồi thường. Theo HĐXX, trong vụ án này ông Phượng có lỗi vì biết ông Muôn chưa sang tên cho bà Ngọc mà đồng ý mua nhà nên hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu. Vì vậy, ông Phượng chỉ được nhận lại 2 tỷ đồng, phần yêu cầu bồi thường không được HĐXX xem xét.

Đến tòa trễ 5 phút, bà Ngọc vừa bước vào phòng xử án thì ông Bình đã tuyên án xong (không có mặt nguyên đơn). Cho rằng HĐXX cố tình tuyên án vội vàng và nguyên nhân bị ông Phượng kiện xuất phát từ quyết định "khẩn cấp tạm thời" do ông Bình ký, bà Ngọc lớn tiếng chửi thẩm phán Bình. Bà này đưa ra chứng cứ là quyết định số 01 của ông Bình ký bị TAND tỉnh Sóc Trăng hủy ngày 6/9 vì áp dụng biện pháp "khẩn cấp tạm thời" không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Theo Nghị quyết 02 năm 2005 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định về các biện pháp "khẩn cấp tạm thời" thì vợ cũ của ông Muôn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với vụ án khác là không đúng. Do đó, TAND TP Sóc Trăng làm theo yêu cầu của bà này để đảm bảo cho việc thi hành án "hôn nhân gia đình" trước đây là không phù hợp.

Gần 1 giờ "quậy" tưng bừng, gây huyên náo nơi xét xử, Công an TP Sóc Trăng đến can thiệp, khuyên nữ giám đốc "hạ hỏa" thì bà Ngọc mới chịu về.

Theo nữ giám đốc, sợ mất uy tín vì bị kiện nên trước khi xử án bà Ngọc đã xin ông Phượng giảm 100 triệu đồng bồi thường, 2 bên dàn xếp êm ấm. Thỏa thuận này được đại diện nguyên đơn xác nhận với HĐXX nhưng sự tự nguyện của 2 bên không được xem xét.

"HĐXX không buộc tôi bồi thường nhưng tôi bị mất uy tín vì ông Bình ký quyết định sai khiến tôi bị kiện, nên tôi quậy. Vì chữ tín, tôi đề nghị được công nhận sự thỏa thuận với nguyên đơn mà HĐXX không chấp nhận. Bức xúc nhất là đến tòa trễ 5 phút mà ông Bình đã tuyên án xong thì làm sao tôi biết chủ tọa tuyên nội dung gì", bà Ngọc nêu lý do "đại náo" tòa án.

Còn theo thẩm phán Bình, nguyên nhân HĐXX không công nhận sự thỏa thuận của bà Ngọc và ông Phượng là do hợp đồng đặt cọc xuất phát từ "quan hệ giao dịch vô hiệu". Quan hệ đó là giao kết mua bán nhà đã bị vô hiệu "bởi ông Phượng biết ông Muôn mới ra công chứng ký giấy mua bán nhà với bà Ngọc chứ chưa sang tên mà đặt bút ký hợp đồng đặt cọc cho bà Ngọc là không đúng quy định pháp luật".
Duy Khang 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật