Cập nhật lúc: 6/2/2014 2:14:12 PM

Xin gửi gắm cho cộng đồng doanh nghiệp

(Dân trí) - Tại phiên họp Chính phủ ngày 29.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Phải kiên quyết đấu tranh bảo việc chủ quyền, nhưng không để ảnh hưởng đến các lợi ích thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc. 

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Một ý kiến chỉ đạo rất đáng để cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng suy nghĩ và hành động.
 
Sau các cảm xúc giận dữ và căng thẳng nhất về sự kiện giàn khoan Hải Dương 981,đã đến lúc bình tĩnh lại để nhận ra được rằng, mọi thái độ thiếu kiềm chế đều dẫn đến hậu quả nguy hiểm. Có thể nhìn thấy rõ nhất là vụ công nhân xuống đường biểu tình và đã bị kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước, kích động phá hoại, gây tổn thất nặng nề không chỉ trong lĩnh vực kinh tế.
 
Trước đó, một số nhà hàng, khách sạn treo bảng thông báo không nhận khách Trung Quốc. Những chiếc bảng “tẩy chay” người Trung Quốc đó là sự thể hiện lòng yêu nước, chống hành vi của Trung Quốc hay việc nhiều đoàn đã đăng ký đi du lịch Trung Quốc cũng hủy tour, đổi sang nội địa hoặc nước khác. Cùng với tẩy chay du lịch, đồng loạt nhiều trang mạng xã hội kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, sử dụng hàng trong nước hoặc nhập khẩu từ nước khác.
 
Nghe qua rất có cảm xúc, rất có tinh thần yêu nước nhưng cách hành xử này liệu có phù hợp không? Câu trả lời chính là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng như đã nêu trên.
 
Chúng ta không thể mê lú để cho Trung Quốc diễn trò 16 chữ vàng 4 tốt “viển vông” nữa, nhưng phải xem Trung Quốc là một đối tác quan trọng, cần phải khai thác hiệu quả, hợp tác bình đẳng, trên cơ sở cả hai bên cùng có lợi. Một thị trường gần 1,5 tỉ dân như Trung Quốc thì quốc gia nào cũng muốn là đối tác giao thương, vậy thì không cớ gì Việt Nam lại tẩy chay.
 
Tuy nhiên, cần phải xác định rằng, Việt Nam không hữu nghị “viển vông” mà theo đuổi con đường hợp tác làm ăn thực tế, người dân Việt Nam không tẩy chay hàng Trung Quốc nhưng phải kiến tạo một con đường thoát khỏi sự lệ thuộc trong kinh tế. Muốn “thoát” khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế để có được một nền kinh tế độc lập và tự chủ, ngoài việc nhà nước phải xây dựng những chính sách thông minh, thì phải dựa vào vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Đất nước đang cần một nền sản xuất đủ sức tạo ra những sản phẩm thay thế được hàng nhập khẩu, nhưng đến nay, tình trạng phụ thuộc này vẫn chưa được cải thiện.
 
Chưa nói tới những máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, mà ngay cả những sản phẩm tiêu dùng thông thường nhất phục vụ cho sinh hoạt, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa sản xuất được hàng hóa đủ sức cạnh tranh. Từ con ốc, con vít đến chiếc radio hoặc cái máy quạt, hàng Việt Nam chất lượng cao còn nhiều là trên khẩu hiệu. Ngay cả thị trường đồ chơi cho một đất nước 90 triệu dân, ra chợ chỉ tràn ngập hàng hóa của Trung Quốc, nói chi đến dây chuyền máy móc phục vụ cho sản xuất công nghiệp cấp cao.
 
Các nhà sản xuất trong nước hãy nhìn vào căn nhà của từng người dân Việt Nam, thì hiểu được mình đã làm ra được sản phẩm gì phục vụ cho dân mình để khỏi phải đổi lấy bằng ngoại tệ. Hãy xem đi, cái ti vi, cái tủ lạnh, cái máy giặt, chiếc xe máy, chiếc xe hơi và nhiều thứ khác nữa, có thứ gì là hàng trong nước được người tiêu dùng tin cậy lựa chọn? Chắc chắn là không.
 
Vậy thì, tẩy chay hàng Trung Quốc sao được khi chúng ta không có thứ gì phục vụ cho chính mình. Cho nên, không hô hào tẩy chay hàng Trung Quốc mà phải sản xuất được hàng hóa thay thế được hàng nhập khẩu.
 
Trách nhiệm này xin gửi gắm cho cộng đồng doanh nghiệp.
Lê Chân Nhân 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật