(PL&XH) - Từ ngày 15 - 6, người đi xe máy đội mũ bảo hiểm (MBH) rởm sẽ bị dừng xe để nhắc nhở. Từ ngày 1 - 7, các trường hợp đội MBH rởm tham gia giao thông, sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng và bị tịch thu MBH rởm đang đội.
Thông tin này, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi, thậm chí lo ngại khả năng “đánh trống bỏ dùi”…
MBH thế nào mới không bị phạt?
Ngày 18-4, Ủy ban ATGTQG đã ban hành kế hoạch 69 về an toàn giao thông. Theo đó, từ 25-5 đến 19-6 sẽ tập trung xử lý các nhà sản xuất, kinh doanh MBH rởm, còn việc xử lý người tham gia giao thông bắt đầu từ ngày 15-6, CSGT trên toàn quốc sẽ yêu cầu dừng xe để nhắc nhở các trường hợp đội MBH rởm. Từ ngày 1-7, người dân nếu đội MBH rởm tham gia giao thông sẽ bị tịch thu để tiêu hủy và bị phạt tiền như đối với hành vi không đội MBH.
UBATGTQG cho biết, MBH rởm là những loại mũ theo Thông tư liên tịch 06 (của Bộ GTVT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Công thương) đã chỉ rõ: Mũ có kiểu dáng bên ngoài giống MBH cho người đi mô tô, xe máy nhưng không có dấu hợp quy; không hoặc chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; Các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu MBH xe máy đúng quy chuẩn chất lượng; Các loại MBH xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG cho biết: “Trước mắt, cơ quan chức năng chỉ xử phạt trường hợp mũ không đủ 3 lớp. Đặc điểm dễ nhận thấy của MBH rởm, thường là không đủ 3 bộ phận gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ. Loại mũ này thường là bằng nhựa dạng mũ lưỡi trai, mũ cối... Không cần đến thiết bị đo đếm, phát hiện các trường hợp vi phạm, mà chỉ cần bằng mắt thường, rất dễ để nhận biết được đó là mũ không đủ 3 lớp, loại mũ này không có chức năng bảo hiểm. Các trường hợp mũ không có tem và nhãn, do trước đây người tiêu dùng mua mà không biết quy định cụ thể phải có tem nhãn, hoặc tem nhãn bị mờ, rách nhưng nếu vẫn đủ 3 bộ phận, sẽ không bị xử phạt”.
Được biết, để triển khai chiến dịch trên một cách hiệu quả, hiện tại nhiều địa phương đã được yêu cầu vào cuộc xử lý các nhà sản xuất MBH kém chất lượng. Đồng thời tuyên truyền nhắc nhở đối với những người đi xe máy, xe đạp điện, xe máy điện phải đội MBH đạt chuẩn. Việc xử phạt đối với hành vi này, được áp dụng theo Nghị định 171/2013, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Có thể thấy, việc triển khai chiến dịch đấu tranh với vấn nạn MBH rởm, là một hành động có mục đích rất tốt. Hướng đến mục tiêu, ngăn ngừa hàng giả hàng nhái các loại MBH, để bảo vệ an toàn cho người dân. MBH dứt khoát phải có chức năng bảo hiểm, hiệu quả trong ngăn ngừa chấn thương, chứ không phải để làm cảnh, để đối phó với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, “chiến dịch” đấu tranh với hành vi đội MBH rởm mà cơ quan chức năng sẽ triển khai trong thời gian tới lại trong điều kiện hoàn cảnh, không có gì “cải thiện” so với trước đây. Vì vậy nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của chiến dịch, cũng như lo ngại về khả năng “đánh trống bỏ dùi”.
Thượng tá Lê Đức Đoàn:
“Nếu CSGT giữ một người cho rằng họ đội MBH giả, thì việc xác minh chiếc mũ đó là thật hay giả sẽ rất mất thời gian – phần nhiều người dân sẽ cãi rằng họ không biết đó là mũ giả, mà lực lượng chức năng nói họ mới biết”. Ảnh: Lương Giang
Không phải là biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề...
Theo quan sát của PV, hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội, ở nhiều tuyến phố: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Trương Định; Chùa Bộc, Tây Sơn, … các loại MBH rởm vẫn bày bán nhan nhản mà không thấy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Trong khi đó, các trường hợp người dân đội các loại MBH rởm, mũ thời trang có thể nói là… nhiều không đếm xuể.
Trước đó, nội dung xử phạt đối với người tham gia giao thông có hành vi đội MBH rởm, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Ở các thời điểm Nghị định 34; Nghị định 71 và cho tới hiện tại, quy định xử phạt người dân về hành vi đội MBH rởm, đều vấp phải những ý kiến phản đối, khi cho rằng việc xử phạt người dân như thế là không công bằng, dễ nảy sinh nhiều tranh cãi.
Trao đổi với PV báo PL&XH, về tính khả thi của chiến dịch xử lý người đội MBH rởm lần này, Thượng tá Lê Đức Đoàn, cán bộ Đội CSGT số 1, phòng CSGT Hà Nội cho rằng, việc xử phạt người dân đội MBH rởm, lần này cơ quan chức năng triển khai nhiều khả năng không khả thi. Bởi lẽ, thứ nhất quy định xử phạt phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của người dân, của người bị xử lý vi phạm; thứ hai hành vi vi phạm phải dễ phát hiện, dễ xác nhận không gây tranh cãi. Thực tế, nếu CSGT giữ một người cho rằng họ đội MBH giả, thì việc xác minh chiếc mũ đó là thật hay giả sẽ rất mất thời gian – phần nhiều người dân sẽ cãi rằng họ không biết đó là mũ giả, mà lực lượng chức năng nói họ mới biết. Như vậy, trong khi “đôi co” để xác định thật giả, thì rất có thể có nhiều hành vi vi phạm khác, nghiêm trọng hơn… lại bị bỏ lọt, không kịp thời xử lý ngăn chặn. Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao hiệu quả đảm bảo tính khả thi của các quy định, chúng ta nên tập trung vào những lỗi vi phạm rõ ràng, tường minh, không gây tranh cãi”.
Theo TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và phát triển, để MBH rởm tràn lan trên thị trường như hiện tại, rõ ràng do năng lực quản lý của cơ quan chức năng kém, làm không đến nơi đến chốn chứ không phải do ý thức người dân.
Nay lại đặt ra vấn đề xử phạt người đội MBH rởm. Theo tôi, các lực lượng hải quan, biên phòng, quản lý thị trường… phải làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, triệt nguồn cung cấp sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Sau đó mới tính đến xử lý các trường hợp người dân có nhu cầu tiêu thụ hàng giả. Đó mới là giải pháp cơ bản để tháo gỡ tận gốc rễ vấn đề. Tuy nhiên, đối với người sử dụng, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho họ thấy hiểm họa của việc đội MBH kém chất lượng, giúp họ cách nhận biết để mua được hàng đúng tiêu chuẩn. |