Cập nhật lúc: 11/3/2013 11:11:03 AM

Vì sao doanh nghiệp, công ty... ngại trọng tài ?

Khi Luật trọng tài thương mại có hiệu lực từ 1/1/2011 đến nay, có tới 36% số phán quyết trọng tài bị hủy. 

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài đã trở thành một hình thức rất phổ biến trên thế giới bởi những ưu thế như nhanh gọn, bí mật. Tuy nhiên, tình trạng hủy phán quyết trọng tài một cách tràn lan tại VN đang khiến nhiều DN e ngại.

VN hiện có 7 Trung tâm trọng tài, trong đó lớn nhất là Trung tâm trọng tài quốc tế VN. VN cũng ký kết và tham gia một loạt điều ước quốc tế khác nhau có quy định về trọng tài, như Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, trở thành thành viên của Tòa án trọng tài thường trực (PCA)… Tuy nhiên, theo nhiều thống kê, số vụ việc mà các trung tâm trọng tài giải quyết chỉ chiếm chưa đến 1% so với tòa án.

Mặc dù Luật Trọng tài thương mại được ban hành năm 2010, trong đó có một mục đích là hạn chế việc hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, sau 3 năm Luật trọng tài có hiệu lực, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, việc tòa án tuyên hủy quyết định của trọng tài trong nước; quyết định trọng tài nước ngoài chưa được công nhận cho thi hành đầy đủ tại VN có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sức hấp dẫn, uy tín, hiệu quả của hoạt động trọng tài. Nếu nói rộng hơn thì môi trường đầu tư kinh doanh của VN cũng kém hấp dẫn.

LS Vũ Ánh Dương - Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) cho biết: VN là “siêu vô địch” về hủy phán quyết trọng tài. Trong giai đoạn 2003 - 2010, số vụ tranh chấp có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài chiếm 12% (trong số đó 34% bị hủy). Khi Luật trọng tài thương mại có hiệu lực từ 1/1/2011 đến nay, có tới 36% số phán quyết trọng tài bị hủy.

100% các vụ tòa án thực hiện thủ tục hủy phán quyết trọng tài đều vi phạm về mặt thời gian.

Đáng lưu ý hơn, nhiều vụ tuyên hủy phán quyết trọng tài của tòa án vi phạm nghiêm trọng Luật trọng tài. Là người từng tham gia nhiều vụ việc tại tòa án về hủy phán quyết trọng tài, LS Lê Thị Thùy Anh - Cty luật Asia Pacific International cho biết, rất nhiều vụ việc tòa án đi sâu vào nội dung của các phán quyết trọng tài. Mặc dù, Luật trọng tài chỉ cho phép tòa án tuyên hủy phán quyết trọng tài vì vi phạm về mặt thủ tục tổ tụng. Tòa án không được can thiệp về phần nội dung tổ tụng trọng tài. LS Thùy Anh dẫn chứng, căn cứ tuyên hủy phán quyết trọng tài của tòa án thường là “trọng tài viên không vô tư khách quan”. Nhưng khi đưa ra căn cứ như thế nào là trọng tài viên không vô tư khách quan thì tòa án lại đi sâu vào nội dung của vụ kiện mà không chỉ ra được vi phạm.

Thủ tục để tòa án xem xét giải quyết theo trình tự tuyên hủy phán quyết trọng tài cũng đang vi phạm ở mức báo động. Theo thống kê của VIAC, 100% các vụ tòa án thực hiện thủ tục hủy phán quyết trọng tài đều vi phạm về mặt thời gian. Phần lớn các vụ giải quyết thủ tục hủy phán quyết trọng tài đều phải có thời gian trên 1 năm. Thời gian như vậy là gấp từ 4 đến 5 lần luật định. Ngoài ra, gần như 100% các trung tâm trọng tài đều không nhận được quyết định của tòa án về việc tuyên hủy hay không hủy phán quyết trọng tài. Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng quy định về tố tụng dân sự cũng như pháp luật trong tài.

Để đối phó với tình trạng lạm dụng quyết định tuyên hủy phán quyết trọng tài của tòa án, LS Vũ Ánh Dương đề xuất, Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật trọng tài thương mại. Đồng thời, Tòa án tối cao cũng sớm có bộ phận theo dõi việc hủy phán quyết trọng tài. Cùng với đó, các tòa án địa phương cần có thẩm phán chuyên sâu giải quyết các vấn đề liên quan đến trọng tài.

Thực tế hiện nay, các quyết định tuyên hủy phán quyết trọng tài của tòa án không có trình tự phúc thẩm và giám đốc thẩm. Như vậy, quyết định hủy này của tòa án ban hành trong trạng thái “trên đầu không có ai”. Tức là không có cơ chế giám sát việc tuyên hủy phán quyết trọng tài của tòa án.

LS Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch VIAC:

Chỉ cần một phán quyết bị hủy thì cộng đồng DN sẽ e ngại khi quyết định có nên chọn trọng tài VN hay không và ngược lại. Theo LS Huỳnh, các trung tâm trọng tài cũng như trọng tài viên không chỉ trích tòa án mà chỉ mong nhận được sự hợp tác để cùng chia sẻ khó khăn quá tải của ngành tòa án.

LS Trần Quốc Mỹ - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Á Châu:

Thẩm phán tòa án ở VN hiểu trọng tài rất ít. Vì vậy họ hay nghĩ và phán xét một cách tùy tiện, vô căn cứ. Nếu tòa án chỉ là những người vạch lá tìm sâu để quyết định thì rất khó cho trọng tài tồn tại. Thực tế có những vụ việc chỉ cần lên tòa án, có này kia với một cái giá nào đó là đã có phán quyết khác rồi.

PGS TS Đỗ Văn Đại - Trọng tài viên VIAC:

VN có tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Các lý do hủy quyết định trọng tài thường ở dạng “trừu tượng”. Bên bị phán quyết trọng tài tuyên bất lợi thường yêu cầu tòa án can thiệp để làm chậm việc thi hành quyết định trọng tài. Bởi vì, khoản 1, Điều 66 Luật Trọng tài quy định, trong khi xem xét hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết này không thể được thi hành. Trong bối cảnh hiện nay, nên buộc bên “lạm dụng” quyền yêu cầu tòa án bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc lạm dụng này.

Luật sư Lê Nết - Công ty luật TNHH LNT&Partners:

Bất cứ quyền lực nào không có giám sát sẽ dẫn đến lạm dụng. Điều này chỉ có thể khắc phục nếu thừa nhận giá trị của án lệ và biết phê phán những án lệ không khách quan hay không phù hợp quy định của pháp luật.
Theo Bá Tú
Diễn đàn doanh nghiệp
 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật