Cập nhật lúc: 12/2/2013 4:03:53 PM

'Cơ quan tố tụng hồ đồ'

"Nhân chứng không có, các chứng cứ lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn vô tội nhưng HĐXX không chấp nhận", luật sư Nguyễn Đức Biền trao đổi với VnExpress. 

Luật sư Biền.
- Là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước, theo ông, HĐXX đã căn cứ vào đâu để kết tội?

- Theo cáo trạng, ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang tổ chức giao lưu bóng đá, vợ chồng Nguyễn Thanh Chấn bán nước ở sân. Khi tan trận, Chiến (vợ Chấn) bảo chồng đi múc nước. Trên đường đi qua nhà Hoan, nhìn thấy cô từ nhà tắm đi ra, Chấn vào sàm sỡ. Bị Chấn khống chế, Hoan đập vỡ chai bia để tự vệ. Chấn rút dao bấm trong người ra đâm nhiều nhát và dùng tay đập đầu Hoan xuống đất cho đến chết. Toàn bộ vụ án chỉ có vậy.

Theo Viện kiểm sát, Chấn đi múc nước lúc 19h, nửa tiếng sau thì về. Nhưng khi thực nghiệm điều tra chỉ hết có 15 phút, 15 phút còn lại được cho là thời gian gây án.

Quá trình thực nghiệm điều tra cho thấy Chấn thực hiện hành vi giết người rất thành thạo và phù hợp với các chứng cứ khác. Bên cạnh đó, quá trình khám nghiệm hiện trường các điều tra viên tìm thấy dấu bàn chân hung thủ để lại, ướm bàn chân của Chấn vào thì vừa. Và cuối cùng là Chấn miêu tả đồ vật tại nhà nạn nhân rất trùng khớp.

- Ông đánh giá thế nào về căn cứ buộc tội này?

- Đọc và nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy những chứng cứ trên "lỏng lẻo", hơn nữa nhân chứng không có. Viện kiểm sát cho rằng dấu chân hung thủ để lại hiện trường khớp với dấu chân của Chấn, nhưng kết luận này là hồ đồ vì đó là dấu chân chứ không phải vân chân. Với những người có khổ bàn chân tương đương nhau, khi ướm vào sẽ vẫn vừa.

Còn một tình tiết quan trọng là theo cáo trạng, Chấn khai có dùng con dao trong người để đâm hung thủ, dao bị gãy tại hiện trường, Chấn cầm chuôi về sau đó vứt tại một bãi sắt vụn. Thế nhưng cơ quan điều tra lại không tìm được hung khí đó.

Thời điểm xảy ra vụ án mạng, có người chứng kiến Chấn cho người gọi nhờ điện thoại, bảng kê cuộc gọi do bưu điện cung cấp cũng xác định cuộc gọi lúc hơn 19h. Đó là một chứng cứ ngoại phạm.

- Và ông đã bảo vệ thân chủ của mình như thế nào trước tòa sơ thẩm?

- Tôi nói rằng thời gian anh Chấn đi múc nước mà các nhân chứng kể lại đều mang tính chất áng chừng, không chắc chắn (khoảng 19h đi, khoảng 19h30 về). Hơn nữa, 15 phút để giết một mạng người là không thuyết phục.

Tình tiết thứ 2 là Chấn miêu tả đồ dùng trong nhà bị hại một cách rất thành thục. Điều này cũng là bình thường vì bị hại là người bán hàng, hơn nữa nhà bị cáo và bị hại lại ở gần nhau. Việc mô tả vị trí đồ vật như giường, tủ... trong nhà không có gì khó.

Nhận định nhân chứng vụ giết người không có, các chứng cứ thì lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo vô tội nhưng tòa không chấp nhận.

- Còn tại phiên phúc thẩm?

- Tôi rất trăn trở khi lần đầu gặp nhau, Chấn nói với tôi: "Anh ơi em bị oan". Tôi hỏi "Tại sao oan mà lại nhận tội". Chấn trả lời: "Cán bộ điều tra dạy em khai".

Khi xử phúc thẩm, Viện kiểm sát có đưa ra bức thư Chấn gửi cho vợ, ghi là: "Kính gửi vợ, trong này anh đã nhận hết tội rồi". Họ cho rằng không ai dạy Chấn viết "Kính gửi vợ". Tuy nhiên, quan điểm của tôi là điều này không quan trọng. Nếu bị cáo nhận tội trước đó nhưng không phù hợp với các chứng cứ khác thì cũng không có giá trị. Tại phiên xử hôm đó, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm bị cáo vô tội.

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả công việc của công an, viện kiểm sát, tòa án trong vụ án này?

- Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan chức năng đã không quan tâm đánh giá chứng cứ buộc tội một cách khách quan. Lẽ ra phải lấy lời khai của bị cáo và đối chiếu với hiện trường, song theo như Chấn nói “điều tra viên đã dạy khai”. Như vậy, cơ quan điều tra đã vi phạm luật tố tụng, áp đặt ý chủ quan của mình vào vụ án, làm mất đi tính khách quan.

- 10 năm qua, ông hỗ trợ gì gia đình ông Chấn kêu oan?

- Sau khi vụ án kết thúc, vì một số lý do, tháng 10/2004 tôi không làm luật sư nữa mà chuyển sang làm công chức nhà nước. Ông Hoạt là anh em đồng hao với Chấn thi thoảng đến gặp tôi để nhờ tư vấn. Tôi vẫn động viên gia đình tiếp tục kêu oan, kiên trì gửi đơn thư đến các cấp, nhất định sẽ được giải quyết. Tôi có niềm tin rằng đến một ngày nào đó Chấn sẽ được minh oan.

- Cảm xúc của ông như thế nào khi ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án trở về nhà?

- Hôm qua, khi đang đi trên đường thì có người gọi điện thông báo với tôi Chấn đã được thả. Tôi vô cùng xúc động. Cuối cùng thì niềm tin "chân lý là lẽ phải, sự thật là khách quan" của tôi đã thành hiện thực. Ông Hoạt cũng gọi điện cho tôi nói Chấn muốn gặp để cảm ơn. Sáng nay, Chấn đi thắp hương cho bố và chúng tôi sẽ gặp nhau trong nay mai.

Khi bào chữa cho Chấn, tôi 40 tuổi với khoảng 8 năm tuổi nghề. Đó cũng là vụ án đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm luật sư của tôi. Tôi tự hào là ngay từ ban đầu, tôi đã chứng minh bị cáo không phạm tội. Trước đó, trong vụ án Lê Văn Bảy tôi cũng tranh luận buộc tội của Viện kiểm soát là thiếu căn cứ, và sau 180 ngày tạm giam bị cáo đã được thả. Chấn thì mất nhiều thời gian hơn, tới tận 10 năm mới được tự do.

Hoàng Thùy thực hiện 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật