Cập nhật lúc: 4/24/2014 11:00:18 PM

Vụ Dương Chí Dũng: Mang bãi rác về Việt Nam, đất nước này sẽ đi về đâu?

“ Không thể mang bãi rác của thế giới về Việt Nam với một số tiền lớn như thế mà chỉ cần qua cái công ước HS. Đất nước này sẽ đi đến đâu?- Viện Kiếm sát phát biểu tại phiên xử chiều 24/4. 

Chiều 24/04/2014, phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục diễn ra.

Trong sáng nay, các luật sư đã trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo. Trong phiên chiều, Viện kiểm sát đã nêu quan điểm của mình.

Quan điểm của VKS trong việc bồi thường: tiền bồi thường 366 tỷ (trừ đi tiền tham ô chia cho các bị cáo) là một số tiền không đổi. Hầu như các bị cáo đều thắc mắc, nhất là nhóm bị cáo hải quan, nhưng đây là quy định chung.

Luật sư Phúc cho rằng việc giải quyết bồi thường dân sự khi chưa có đơn xin giải quyết, VKS trả lời đây là vi phạm dân sự trong hình sự, phải có trách nhiệm bồi thường do hành vi phạm tội của mình gây ra, không phải cần Vinalines yêu cầu bồi thường thì mới giải quyết.



Nhiều Luật sư cũng cho rằng tòa chưa xem xét đánh giá đúng hậu quả của hành vi cố ý làm trái (do chưa định giá ụ nổi hiện tại) mà đã bắt các bị cáo bồi thường, VKS cho biết tổng thiệt hại (tổng chi phí bỏ ra từ việc mua đến đưa về đến ngày 17/5/2012) mà nhà nước đã phải bỏ ra là trên 500 tỷ chứ không phải 366 tỷ, sau khi trừ đi các khoản chi phí mua ụ, trừ đi các khoản các bị cáo chiếm đoạt. Việc xác định thiệt hại đã được các cơ quan tiến hành giám định.

Về việc ụ có phải tàu biển không, căn cứ vào luật Hàng Hải và tên ghi trong hợp đồng, cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận tạm thời là tàu biển nên nó tạm thời nằm trong các quy chế quản lý của tàu biển. VKS thấy rằng có đủ căn cứ để xác định để “nó” được quản lý theo các căn cứ của một chiếc TÀU BIỂN. Về việc vốn để mua tàu biển này có phải từ NSNN không, VKS trả lời Vinalines là Tổng công ty nhà nước nên những thiệt hại ở đây là thiệt hại cho Ngân sách nhà nước.

Trong việc bào chữa cho hành vi phạm tội của các bị cáo, nhất là nhóm bị cáo hải quan, các luật sư cho rằng công ước HS có thể phủ nhận tất cả các quy định khác nhưng VKS cho rằng công ước này là một cố gắng của thế giới để mã hóa hàng hóa, chủ yếu là để áp thuế. Việc áp thuế thì VKS không ý kiến gì cả nhưng quản lý nhà nước không phải đơn giản 3 cái giấy như thế.

“ Không thể mang bãi rác của thế giới về Việt nam với một số tiền lớn như thế mà chỉ cần qua cái công ước HS. Đất nước này sẽ đi đến đâu?” – Đại diện VKS phát biểu.

Công ước HS không mâu thuẫn với Luật Hàng hải, phải áp dụng cả 2 trong việc xuất nhập hàng hóa chứ không chỉ áp dụng một văn bản. Căn cứ để kết tội các bị cáo là đầy đủ. VKS giữ nguyên quan điểm.

15h00, sau phần tranh luận của VKS, luật sư Ngô Ngọc Thủy yêu cầu VKS trả lời 3 vấn đề:

- Căn cứ cơ sở pháp lý nào để nói 1,66 triệu USD mà AP gửi cho Phú Hà là tài sản của Vinalines? Bản án sơ thẩm đã kết luận đây không phải là tài sản của Vinalines, nếu không phải rồi thì sao nói là các bị cáo tham ô tài sản của Vinalines.

- 1,66 triệu USD là tiền của ai? Của phía Nga hay của AP? Ai chỉ đạo chuyển vào tài khoản của Phú Hà?

- Số tiền 1,66 triệu USD được xác định là tiền tham ô từ thời điểm nào, trên cơ sở văn bản nào, giữa những ai?

- Bản tuyên thệ trước pháp luật tại Singgapore của ông Goh mà các LS đã thu thập được, có giá trị trong bản án này không?

Đại diện VKS trả lời toàn bộ tài sản của Vinalines thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu, chủ tịch HĐQT, TGĐ tức Dương Chí Dũng. Căn cứ để nói 1,66 triệu USD là tài sản nhà nước: khoản tiền này được trích, nằm trong tổng số 9 triệu mà Vinalines chuyển cho AP, là tiền ký quỹ của Vinalines tại Citybank cho khoản vay 150 triệu USD vay tại ngân hàng này. Tài sản đảm bảo cho khoản vay của Vinalines tại Citybank là tổng tài sản của Vinalines. Do đó, đây là tiền của nhà nước.

Về câu hỏi thứ 3 của LS, VSK trả lời: hành vi phạm tội từ 2008 nhưng cuối 2012 mới phát hiện ra. Tội phạm là những người có chức quyền trong bộ máy nhà nước, thực hiện hành vi một cách khép kín. Không có bị cáo nào tự thú về hành vi của mình, bắt buộc cơ quan điều trả phải tiến hành xác minh trên các tài liệu thu thập được. Trong suốt quá trình điều tra, chỉ có 2/4 người thừa nhận, riêng Dũng và Phúc không thừa nhận. Quá trình điều tra trung thực khách quan không bức, mớm cung. Trên cơ sở đánh giá lời khai của Sơn, vị trí hành chính của Dũng, Phúc, Sơn, Chiều…

VKS cho rằng có căn cứ cho kết luận của mình. Tài liệu được cho là mới (bản tuyên thệ của ông Goh) đã được nghiên cứu. Nội dung thứ 4 cho biết có thỏa thuận giao dịch trước, họ biết giá chào là 5 triệu, giá trị thực là 2,3 triệu. Có thêm AP thì ụ nổi mới được bán với giá 9 triệu. Ông Goh khẳng định việc thanh toán ụ nổi là theo hình thức L/C. Hợp đồng 0107 không hề có thủ tục hải quan, hồ sơ chuẩn bị xin giấy phép. Ông Goh mặc nhiên hợp thức hóa việc chuyển 1,66 triệu USD về cho Phú Hà. Sau khi nhận được thông tin cung cấp của Sơn, Goh đã chuyển hết số tiền này về.

Luật sư Trần Đình Triển đặt câu hỏi: đánh giá của VKS như thế nào về những tài liệu mà các LS đã cung cấp trong đó có văn bản của phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tại sao VKS không hề đề cập đến.

Sơn trả lời không hề liên hệ với ông Goh nhưng LS đã cung cấp 4 văn bản cho tòa và VKS cho thấy Sơn có liên hệ, VKS trả lời như thế nào? LS cho rằng mình có đủ căn cứ chứng minh Sơn đã chiếm tất cả số tiền mà Nga đã chuyển. VKS nói rằng khi nào có kết quả từ phía Nga thì sẽ xử lý sau. Án phúc thẩm có hiệu lực thì sẽ thi hành 2 án tử hình, nếu khi bên Nga có kết quả, 2 án tử hình thi hành rồi, giải quyết như thế nào? LS đề nghị đi theo khoản tiền từ phía công ty của Sơn.
Theo Hải Minh (CafeF.vn/Trí Thức Trẻ) 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật