Với việc đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông, Trung Quốc muốn dấn thêm một bước trong việc thít chặt gòng kìm khống chế tại đây, mặt khác thách thức chiến lược quay lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, để trỗi dậy như một bá chủ khu vực.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông và hàng chục máy bay, tàu của nước này uy hiếp, cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, là bước đi gia tăng căng thẳng nguy hiểm tại khu vực điểm nóng này.
Và đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cố ý chạm trán với Việt Nam và các nước láng giềng khác trong khu vực, liên quan đến vấn đề khai thác dầu khí. Nhưng giới phân tích nhận định rằng động thái mới nhất không nhằm mục tiêu tìm kiếm tài nguyên trước mắt, mà ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa của Bắc Kinh và sẽ tác động mạnh đến cục diện hiện nay tại Biển Đông.
"Thông điệp rõ ràng mà Bắc Kinh muốn gửi đến Hà Nội là chúng tôi sẽ khoan tại bất kỳ nơi nào chúng tôi muốn", Giáo sư Keith Johnson thuộc đại học California Berkely viết trong một bài bình luận đăng trên Foreign Policy.
Chuyên gia này cũng cho rằng HD-981 đang được Trung Quốc sử dụng như một "lãnh thổ quốc gia di động", để từng bước thay đổi hiện trạng, từ đó xiết chặt gọng kìm khống chế tại Biển Đông.
Cũng chung quan điểm trên, cựu đô đốc Mike McDevit, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, cho rằng đây là quá trình mà các động thái nhỏ được tích tụ dần, không dẫn đến xung đột nhưng sẽ dần thay đổi hiện trạng theo thời gian.
Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh đã có những hành động táo bạo, hung hãn ngăn cản tàu Việt Nam thi hành nhiệm vụ. 80 tàu với sự yểm trợ của máy bay đã tấn công, đâm rách tàu cảnh sát biển Việt Nam, khiến 6 người bị thương.
Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng các bên đang đối diện với "một kịch bản vô cùng nguy hiểm". Theo đó, Việt Nam đang bị đẩy vào thế phải có biện pháp đối phó với hành vi thách thức chủ quyền của Trung Quốc, mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ đáp trả.
"Lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam đã hết sức kiên trì và kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc ở trên biển nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng tôi sẽ có những hành động tự vệ tương tự để đáp lại", ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, trao đổi trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua tại Hà Nội.
Biển Đông luôn được coi là điểm nóng tiềm tàng nguy hiểm nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là vùng biển có trữ lượng tài nguyên dầu khí phong phú, luôn nằm trong sự thèm muốn của các quốc gia "khát dầu" như Trung Quốc. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính tại Biển Đông chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 tỷ mét khối khí tự nhiên. Tuy nhiên, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tin rằng có thể có gấp 10 lần trữ lượng dầu khí như thế tại Biển Đông. Trung Quốc hẳn nhiên là thèm khát nguồn nhiên liệu này.
Tuy nhiên, cách tiếp cận thô bạo của Trung Quốc với các mối quan hệ trong khu vực và những thiệt hại mà nó mang lại sẽ khiến Bắc Kinh khó có thể đạt được mục tiêu trên.
"Cái giá về ngoại giao mà Trung Quốc phải trả về những gì đang làm là quá cao, vì thế, những gì mà Trung Quốc mong muốn phải cao hơn những lợi ích an ninh năng lượng đem lại", bà Holly Morrow, chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Belfer, đại học Harvard, bình luận.
Giá trị quan trọng hơn cả của Biển Đông đối với Bắc Kinh là vị thế địa chiến lược của vùng biển này. Nơi đây tập trung các tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới, với giá trị thương mại hàng nghìn tỷ USD, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh muốn thực hiện giấc mơ trở thành bá chủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua việc tìm mọi cách khống chế Biển Đông.
Ông Rory Medcalf, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy, Australia, cho rằng Bắc Kinh đang muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất", phân cách Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương, từ đó gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực.
dan-khoan-9173-1399515786.jpg
Vị trí giàn khoan (chấm đen vuông) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: PVN
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Trung Quốc cần loại bỏ sức ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương, hoặc ít nhất cũng là đạt được thế bình đẳng với Washington trên các vấn đề trong khu vực.
Siêu cường truyền thống như Mỹ và cường quốc mới nổi Trung Quốc có những nhận thức rất khác biệt về lợi ích chiến lược, vì vậy sự trỗi dậy của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ thách thức trật tự thế giới hiện nay.
Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer nói với hãng tin AFP rằng vụ giàn khoan HD-981 có thể là phản ứng của Bắc Kinh với chuyến thăm châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến thăm, Mỹ khẳng định sẽ ủng hộ Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
"Các cam kết của Tổng thống Obama với Nhật Bản và hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Philippines đã thách thức lợi ích chiến lược trên biển của Trung Quốc", chuyên gia quân sự Lý Kiệt thuộc Viện nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, bình luận.
Trung Quốc luôn khẳng định đường lối "trỗi dậy hòa bình", nhưng lại đang dẫn đầu cuộc đua vũ trang tại châu Á. Và hàng loạt động thái mới nhất của Bắc Kinh chỉ khiến các quốc gia láng giềng ngày càng lo ngại về đường lối ngoại giao ngày càng cứng rắn của quốc gia này.
Cục diện trên càng khiến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoan nghênh chiến lược xoay trục của Mỹ sớm có những biến chuyển thực tế, như một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Trên thực tế, quân đội Mỹ đã chuẩn bị các phương án ứng phó với bất kỳ hành động mang tính khiêu khích nào của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông, bao gồm điều động máy bay ném bom B-2 hoặc diễn tập hàng không mẫu hạm gần khu vực lãnh hải của Trung Quốc.
"Nếu như Trung Quốc có các hành động tuyên bố chủ quyền đơn phương trong khu vực, sẽ vấp phải thách thức quân sự từ Mỹ nhằm mục đích buộc Bắc Kinh nhượng bộ", một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho hay.
Đức Dương