Cập nhật lúc: 4/26/2014 12:24:14 AM

Cải cách thể chế kinh tế: “Lần này nói để làm”

Đổi mới thể chế kinh tế đặt ra từ nhiều năm và hiện nay được xem như “một đột phá chiến lược” nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Nhận xét trên đây của TS.Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cũng nằm trong sự sốt ruột của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia kinh tế khác. 

Vì sao ì ạch?

Trả lời phỏng vấn chúng tôi mới đây,Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường không thể nói là đã có đột phá và mang lại kết quả như mong muốn, còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.

Và đó cũng là lý do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chọn chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” cho Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 sẽ diễn ra ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) trong hai ngày 28 và 29 tới đây.

Tuy nhiên, không phải đến tận diễn đàn này, các nguyên nhân của sự ì ạch trong cải cách thể chế kinh tế mới được mổ xẻ.

Vào tháng Tư năm ngoái,ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định rằng không có điểm mới đáng kể nào trong thực tiễn kinh tế từ 2007 đến 2013 ngoại trừ xu hướng xấu đi của tình hình.

Tại sao suốt mấy năm trời, đã không có một nỗ lực cải cách thực sự nào được thực thi? Phải chăng động lực và năng lực cải cách của nền kinh tế đã bị suy yếu nghiêm trọng? Đó là những câu hỏi đã được ông Thiên mong sẽ có câu trả lời.

Và cũng đã có những câu trả lời ngay tại đó.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cựu thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, căn nguyên cơ bản nhất của sự ì ạch trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là "tồn kho thể chế", khi có quá nhiều thể chế lạc hậu không được sửa.

Cùng với nhiều vị chuyên gia cao niên khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng kiên trì đề nghị phải tiến hành mạnh mẽ việc cải cách thể chế, trước hết để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Doanh khi đó còn thẳng thắn nói rằng, không chỉ Chính phủ mà Quốc hội cũng có một phần trách nhiệm để tình trạng đầu tư công - một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế - đã bị lạm dụng, gây lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài, trở thành công cụ cho tư duy nhiệm kỳ bất chính kéo dài.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì lực cản rất trực tiếp đối với cải cách thể chế chính là nhóm lợi ích hình thành từ thế lực “kinh khủng” của doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - người đang rất nỗ lực “nhen lửa” cho cải cách - cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước là một nút thắt dứt khoát phải làm khi cải cách thể chế kinh tế.

Thực ra, khuyến nghị tháo “nút thắt” này đã liên tục được đưa ra từ nhiều năm nay. Khoảng nửa năm trước đây, trong một bài viết có tựa đề “khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng” nhóm tác giả thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, trong 3 thập kỷ qua, việc thiết kế các thể chế nhằm chỉ rõ ai là chủ đích thực và chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả quản lý phần vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thể thành công.

“Những nỗ lực cải cách thể chế nửa vời, những quyết tâm cải cách thể chế bị trì hoãn, và những cơ hội cải cách thể chế bị bỏ lỡ, tất cả cùng nhau làm cho những vấn đề thể chế cơ bản của đất nước chưa bao giờ được giải quyết một cách dứt khoát và đến tận cùng. Hệ quả là dường như Việt Nam đang trở lại điểm xuất phát với những nan đề cải cách của thời kỳ trước Đổi mới”, nhóm tác giả Fulbright viết.

Không phải nói để mà nói

Nhân tố nào đang kìm hãm sự phát triển hiện nay? Từng hơn một lần nêu câu hỏi này trong các cuộc bàn thảo về cải cách thể chế, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh “lần này nói ra để mà làm chứ không phải nói để mà nói”.

Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân lần này, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng sẽ có một số kiến nghị cụ thể, “gạch đầu dòng” các hành động cần làm và “có thể làm được” để cải cách thể chế không còn chỉ là thông điệp, nghị quyết mà đi vào thực tế cuộc sống.

Dù chưa được đặt vào tâm điểm của các phiên thảo luận, song từ các tham luận được gửi tới diễn đàn, các “gạch đầu dòng”cũng đã khá chụm.

Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách (sửa đổi), Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… những dự án luật đã, đang và sẽ được Quốc hội xem xét, được kỳ vọng là sẽ tạo ra nhiều dư địa cho cải cách môi trường kinh doanh và quản lý túi tiền quốc gia đang còn rất eo hẹp được nhắc đến không chỉ ở một bản tham luận.

Vẫn tập trung vào các vấn đề không mới như phân bổ nguồn lực, môi trường kinh doanh, phân cấp… nhưng các phân tích và đặc biệt là các khuyến nghị đã được đặt trong bối cảnh mới, theo thông tin từ ban tổ chức diễn đàn.

“Chúng ta có nhiều nghị quyết về công nghiệp hóa và không có nghị quyết nào về bất động sản nhưng công nghiệp hóa thì không đạt mục tiêu trong khi đầu cơ bất động sản vượt xa nhu cầu, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Phải cải cách hệ thống động lực, có chế tài thì đất nước mới phát triển theo đúng hướng: nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, sáng tạo”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với chúng tôi.

Nêu rõ quan điểm cải cách thể chế cần có bước đi phù hợp, nhưng phải đặt trong mối quan hệ hệ thống: việc làm trước phải mở đường cho việc làm sau, chứ không tạo ra xung đột pháp lý và mâu thuẫn chính sách, “ông nghị” Trần Du Lịch cho biết, những đề xuất, kiến nghị tại tham luận của ông nhất quán quan điểm này, song rất cụ thể và rõ ràng.

Nói để thống nhất nhận thức, để hành động, chứ không phải nói chỉ để nói, đó là quan điểm của nhiều khách mời, khi đến với Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014.

Theo Nguyên Thảo
VnEconomy 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật