Cập nhật lúc: 12/2/2013 12:40:49 PM

Lộ diện các công ty trá hình "nuốt" hàng chục tỷ đồng VAT

Có trường hợp một khách nước ngoài mang tiền vào Việt Nam, có xác nhận của Hải quan để thanh toán tiền hàng nhập khẩu cho một số DN Việt Nam từ 5-7 lần/ngày, mỗi lần khoảng 2,5-3,5 tỷ đồng. 

Ngày 21/11, Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Cục An ninh TC-TT-ĐT), Tổng cục An ninh II, Bộ Công an cho biết: Tổng cục An ninh II vừa bắt giữ 20 đối tượng và vận động 1 đối tượng trong đường dây lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Liên quan đến vụ án trên, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế diễn ra rất nghiêm trọng, không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước mà còn dẫn đến việc hoạch định chính sách sai do số liệu xuất khẩu hàng hóa không chính xác.

Khi doanh thu xuất khẩu cao hơn hàng trăm lần so với vốn điều lệ

Qua công tác nắm tình hình và trao đổi của ngành thuế, phát hiện từ khoảng tháng 8/2012 đến tháng 6/2013, số hồ sơ hoàn thuế và số tiến hoàn thuế GTGT trên cả nước có dấu hiệu tăng. Trong đó, đáng chú ý là số tiền hoàn thuế đối với cà phê, hàng nông sản tại Tây Nguyên và xuất khẩu hàng công nghệ phẩm qua cửa khẩu biên giới với Campuchia, tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Tại các khu vực này, số tiền hoàn thuế GTGT tăng một cách bất thường.

Đi sâu xác minh, Cục An ninh TC- TT- ĐT phát hiện, tại Tây Nguyên có hàng chục doanh nghiệp (DN) kinh doanh nông sản, có dấu hiệu gian lận về thuế với phương thức hoạt động tinh vi, diễn ra trên diện rộng, có tổ chức. Thủ đoạn gian lận của các DN này thường là mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian (có hồ sơ mua qua 7 khâu), mua hàng tại các tỉnh không có hàng nông sản (cà phê mua tại Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh), tờ khai hàng xuất khẩu đều thuộc đối tượng miễn kiểm tra… sử dụng số lượng hóa đơn GTGT bất hợp pháp để kê khai đầu vào. Cá biệt, nhiều DN thuộc tỉnh Đồng Nai, chỉ trong vòng 5 tháng cuối năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013 đã bán cho các DN ở Tây Nguyên hàng chục nghìn tỷ đồng hàng hóa nông sản.

Với lượng hàng hóa này, nếu áp theo quy định, cơ quan thuế sẽ phải hoàn hàng nghìn tỷ đồng cho các DN xuất khẩu. Song khi xác minh về các DN bán hàng này, cơ quan thuế phát hiện các DN không có thực hoặc người đứng tên thành lập DN đã bỏ trốn. Một số DN xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên, mặc dù đã có hàng xuất khẩu, nhưng do mua hàng của các đầu mối từ trước nên vẫn bị các DN trung gian ở Đồng Nai khống chế bằng nhiều cách khác nhau nên vẫn phải mua hóa đơn của các đối tượng này. Vô hình trung, họ cũng trở thành đồng phạm trong vụ án…

Tình hình tại các tỉnh Tây Nam Bộ cũng diễn biến phức tạp không kém. Từ tháng 5 đến tháng 12/2012, tại các huyện biên giới, hàng chục DN của tư nhân đã được thành lập chỉ để xuất khẩu hàng hóa qua biên giới… Một chủ DN có thể thành lập nhiều DN, do những người thân trong gia đình đứng tên. Về phía DN nhập hàng tại Campuchia, cũng có quan hệ gia đình với DN tại Việt Nam. Điều đáng chú ý là số tiền hoàn thuế hàng năm của các đơn vị này thường vượt quá lượng vốn ban đầu rất lớn, trong khi đó số tiền nộp vào ngân sách hằng năm của DN xuất khẩu tiểu ngạch sang Campuchia thì phát sinh không đáng kể. Vào năm 2009 số tiền hoàn thuế tại tỉnh An Giang chỉ vào khoảng hơn 42 tỷ đồng thì đến năm 2012 đã lên tới gần 600 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các DN tại An Giang đã lợi dụng cơ chế miễn kiểm tra hải quan hoặc chỉ kiểm tra tỷ lệ 5% đối với hàng hóa xuất khẩu biên mậu và cơ chế thông thoáng, thành lập DN, cơ chế tự in hóa đơn và lợi dụng một phần địa lý vùng biên giới để dễ dàng quay vòng hàng hóa xuất khẩu (xuất khống một phần) hoặc khai khống số lượng giá trị hàng hóa xuất khẩu để lập hồ sơ hoàn thuế. Việc chuyển tiền Việt từ Campuchia vào Việt Nam qua xác nhận của Hải quan rất dễ dàng…

Có trường hợp một khách nước ngoài mang tiền vào Việt Nam, có xác nhận của Hải quan để thanh toán tiền hàng nhập khẩu cho một số DN Việt Nam từ 5-7 lần/ngày, mỗi lần khoảng 2,5-3,5 tỷ đồng. Hóa đơn đầu vào của các DN này thường sử dụng là hóa đơn của các DN đã bỏ trốn, mất tích… Tại An Giang, cơ quan thuế đã phát hiện hàng chục DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. Các DN này chủ yếu là DN nhỏ, có vốn điều lệ từ 5-12 tỷ đồng.

Dùng chứng minh nhân dân giả và bị mất cắp để thành lập doanh nghiệp

Quá trình điều tra, Cục An ninh TC - TT - ĐT làm rõ thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, bắt giữ hàng chục đối tượng tại các tỉnh Tây Nguyên. Tại khu vực này, nhóm đối tượng ở tỉnh Đồng Nai đã thành lập các DN "ma" để bán hóa đơn cho các DN kinh doanh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Các đối tượng đứng tên DN này, sau đó đã bỏ trốn…

Sau khi tập trung xác minh, Tổng cục An ninh II đã phá 2 đường dây lớn, bắt tạm giam hàng chục đối tượng, thu giữ hàng chục tỷ đồng. Cá biệt trong số đó có trường hợp 8 tháng đã mua bán hóa đơn trên 10 nghìn tỷ đồng. Tại các tỉnh Tây Nam Bộ, 10 DN tại tỉnh An Giang đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước. Khi sự việc này bị phát hiện, giám đốc của một công ty TNHH đã ra đầu thú.

Trao đổi với phóng viên ngày 21/11, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh TC-TT-ĐT đã cảnh báo về thủ đoạn của loại tội phạm này. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh thì tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đã xảy ra từ lâu. Song khi thực hiện Nghị định 51/ 2010/ NĐ-CP ngày 14/5/2010 cho phép DN được tự in hóa đơn, một số đối tượng sau đó đã thành lập DN, tổ chức in hóa đơn và bán hóa đơn khiến hành vi mua bán hóa đơn diễn ra ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn. Từ các vụ án này cũng phát hiện những sơ hở của các cơ quan Nhà nước theo đó, để được hoàn thuế, DN xuất khẩu phải có chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa; đã thực xuất hàng ra nước ngoài.

Trong đó, DN gốc bán hàng cho DN nước ngoài phải chứng minh đã nộp thuế VAT… Tội phạm đã lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý, lập ra nhiều DN "ma" ở các địa phương khác nhau trong khi cơ quan thuế không có đủ điều kiện xác minh. Bên cạnh đó, theo quy định, với số lượng hàng hóa có giá trị trên 20 triệu đồng, hồ sơ kê khai để được hoàn thuế phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Song tội phạm đã dùng thủ đoạn tạo tiền lòng vòng, chứng minh bên mua có chuyển tiền cho bên bán…

Một hình thức nữa là các đối tượng thường dùng CMND giả hoặc CMND đã bị đánh cắp để thành lập DN. Một sơ hở nữa là thủ tục thành lập DN lại khá đơn giản, trong khi Sở Kế hoạch đầu tư của các tỉnh, thành phố thuộc TW đều không quản lý được được hoạt động của các DN này. Vụ án hiện đang được điều tra, làm rõ

Theo Xuân Mai - Việt Hưng

Công an Nhân dân 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật