Đêm 23-7, Công an quận 3 (TP.HCM) phối hợp cùng Công an phường 14 (quận 3) kiểm tra hành chính nhà số 220/204 Lê Văn Sỹ. Tại đây công an phát hiện có hơn 20 người đang lưu trú nhưng phần lớn không khai báo tạm trú, trong đó có cả trẻ em hành nghề bán vé số dạo.
Nhiều lao động trẻ em
Bên trong căn nhà chỉ rộng chừng 15 m2 có khoảng 10 người lớn, trẻ em. Sau đó từ trên gác của căn nhà xuất hiện hơn 10 người khác lần lượt xuống trình diện. Qua kiểm đếm có tổng cộng 22 người đang sinh sống tại căn nhà do vợ chồng ông Bùi Trung Thu, bà Nguyễn Thị Cẩn (quê Hà Tĩnh) đứng ra thuê mướn.
Trong đó có bảy em từ 14 đến 18 tuổi, theo lời khai ban đầu. Các em đều gầy gò, da đen nhẻm bởi ngày nào cũng phải đi bán vé số từ sáng đến tận đêm. Có em ngày bán nhiều nhất được 200 tờ, ít nhất cũng được khoảng 120 tờ, một con số khá “kỷ lục” đối với những người đi bán vé số dạo.
Phạm Quang Linh (14 tuổi, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhưng nhìn như một đứa trẻ mới lên 8-9 tuổi. Trò chuyện với chúng tôi, Linh nói gia đình có năm anh chị em, Linh là con thứ ba và dưới còn hai đứa em nữa. Cha mẹ làm nông không đủ tiền nuôi con nên em phải tự bắt xe vào TP.HCM đầu quân cho ông Thu hằng ngày đi bán vé số kiếm tiền gửi về cho cha mẹ ở quê. Như được cho học thuộc lòng từ trước, Linh và các em khác đều khai mới từ quê vào bán vé số được khoảng một tháng nhân dịp nghỉ hè rồi về quê đi học tiếp. Tuy nhiên, khi cán bộ công an kêu viết họ tên, quê quán, Linh cầm cây bút run run viết từng nét chữ khá khó khăn.
Nhỏ nhất trong số đó là em Nguyễn Nhật Minh (Hà Tĩnh), cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải vào TP.HCM “đầu quân” cho vợ chồng ông Thu. Minh khai đã 14 tuổi nhưng vóc dáng em nhỏ bé như trẻ khoảng tám tuổi. Tuy nhiên, do bôn ba mưa nắng kiếm ăn ở xứ người nên Minh nói chuyện khá rành rọt và có vẻ lanh khôn trước tuổi. Ánh mắt sụp xuống vì buồn ngủ, khuôn mặt còn nhỏ nhưng khắc khổ, Minh cho biết mỗi ngày em bán được khoảng 150 tờ vé số. Tối về nhà đụng đâu ngủ đó, nếu ở dưới trệt chật người rồi thì Minh lên gác ngủ hoặc hôm nào về sớm thì ngủ ở dưới. Phương tiện giải trí duy nhất của các em ở nhà ông bà chủ là xem tivi.
22 người đang sống trong căn nhà khoảng 15 m2 do vợ chồng ông Thu thuê mướn để đi bán vé số. Ảnh: H.TUYẾT
Chủ giữ hết tiền
Tất cả các em đều cho biết khi đã đầu quân làm “nhân viên” cho vợ chồng ông Thu, tiền bán vé số cùng lời lãi đều phải đưa hết cho vợ chồng ông chủ giữ. Ngoài ra, tiền ăn ở hằng ngày mỗi em phải đóng 10.000 đồng, số còn lại theo ông Thu khai là khi nào các em về quê thì sẽ trả lại. Riêng các em không biết số tiền của mình kiếm được là
bao nhiêu và vợ chồng ông chủ giữ lại với mục đích gì.
Khai với công an, ông Thu thừa nhận là chủ cơ sở nuôi người bán vé số. Các nạn nhân cho biết ông thuê căn nhà với giá 6,5 triệu đồng/tháng, cho sáu người thuê lại lấy mỗi người 500.000 đồng, riêng các em nhỏ thì lấy 10.000 đồng tiền ăn ở một ngày. Ông Thu khai là tất cả em nhỏ đều là cháu của ông nhưng trước đó các em đều cho biết không có họ hàng gì với ông Thu. Ông Thu nói hằng ngày ông đến một đại lý ở quận Tân Bình lấy khoảng 800-1.000 tờ vé số về giao đều cho các em nhỏ đi bán. Cuối ngày, vợ chồng ông Thu có một cuốn sổ sẽ ghi lại số vé đã giao, số các em đã bán được và tiền lời lãi.
Theo lời khai của các em và vợ chồng ông Thu cho thấy trung bình mỗi em bán được khoảng 150 tờ vé số, trị giá 1,5 triệu đồng, trong đó các em được lời khoảng 150.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, ông Thu cho biết mỗi tháng chỉ trả cho các em 2 triệu đồng, riêng số tiền chênh lệch còn lại (khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng) của các em thì ông Thu không nêu được lý do hoặc cho là các em ăn uống, tiêu xài riêng ở bên ngoài.
Chiều 24-7, lãnh đạo Công an phường 14, quận 3 cho biết qua trao đổi với Hội Phụ nữ phường và Phòng LĐ-TB&XH quận, công an phường đã tiến hành xử phạt 1,5 triệu đồng đối với ông Bùi Trung Thu về hành vi không khai báo lưu trú. Ngoài ra, công an phường đã buộc ông Thu phải cam kết giải tán cơ sở và không được tiếp tục sử dụng trẻ em để đi bán vé số.
|