Cập nhật lúc: 9/23/2014 1:35:56 PM

Tòa án muốn tham gia điều tra án hình sự

Tránh việc yêu cầu điều tra bổ sung bị "phớt lờ", ngành tòa án đề nghị có thêm quyền xác minh, điều tra bổ sung chứng cứ ngay khi vụ án trong giai đoạn truy tố. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, tòa án có đủ nhân lực để tham gia việc này. 

Sáng 23/9, ngày làm việc thứ 2 của phiên họp thứ 31, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).
 
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho hay dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đề xuất tòa án được kiểm tra toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, tố tụng. Điều này tránh quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi phạm tội bị vi phạm mà tòa án không biết.
 
Đề xuất tiếp theo là tòa án có quyền xác minh, điều tra bổ sung chứng cứ với những vụ án đang trong giai đoạn truy tố hoặc chờ xét xử nhằm tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Ông Bình cho rằng có hiện tượng tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng VKS không thêm được gì nên tòa cũng "đành bó tay".
 
Không đồng tình với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tòa án chưa thể "vào" vụ án ngay từ đầu vì đó là việc của công an và VKS. "Quyền điều tra, truy tố phải độc lập", ông Hùng nhấn mạnh.
 
Trao đổi lại, Chánh án Trương Hòa Bình giải thích, một số vụ án hình sự nhiều lần trả hồ sơ song kết quả không có gì mới nên tòa đành mở phiên xử mà không đủ căn cứ. "Nếu đúng tinh thần hiến pháp mới, khi không đủ căn cứ, tòa tuyên nghi can không phạm tội. Thế nên mới đề nghị tòa có quyền tham gia vào quá trình điều tra, truy tố", ông Bình nói.
 
Đề xuất này của ngành tòa án khiến Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình băn khoăn: "Tòa mà đi điều tra vụ án ngay từ đầu thì có đủ lực lượng? Nếu có quyền này thì rõ ràng quyền lực của tòa rất cao”.
 
Tiếp tục bàn về thẩm quyền của tòa án, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng chỉ nên tuyên án công khai với phiên tòa hình sự; còn dân sự, lao động liên quan đến đời tư của công dân thì không
 
Ông Lý cũng kiến nghị rà soát lại, hạn chế những vụ án hình sự do tòa quân sự xét xử. "Quân nhân phạm tội trong phạm vi thời gian thực thi nhiệm vụ quốc phòng mới do tòa quân sự xét xử chứ phạm tội ngoài phạm vi đó thì không", ông nói.
 
Đề cập quyền im lặng của bị can, bị cáo, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là vấn đề lớn. Nếu thực thi cần có định hướng nếu không sẽ xảy ra xung đột, bởi cơ quan điều tra luôn muốn nghi can khai báo, trong khi quyền lại cho phép họ im lặng cho đến khi có luật sư ngồi cùng.
 
Trình bày dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), giải thích đề xuất VKS được thực hiện quyền công tố sớm hơn, ngay từ khi có hành vi tội phạm xảy ra, Viện trưởng Bình cho hay tại một số vụ án khi bắt nghi can "đã xảy ra bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan, sai". Hơn nữa, việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
 
"Trên thực tế, những việc này diễn ra trước khi khởi tố vụ án, nếu chỉ quy định VKSND thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can như hiện hành thì không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm", ông Bình nói
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ông Ksor Phước cho rằng nên tùy vụ án cụ thể mà xác định giai đoạn tham gia công tố của VKS, vừa tránh bỏ lọt tội phạm, tránh gây oan sai lại tránh trùng công việc với cơ quan điều tra.
 
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lo ngại: “Nếu VKS tham gia từ quá trình điều tra thì có “kham” nổi không?”. Trong khi đó người đồng cấp của bà là ông Uông Chu Lưu đồng ý với việc VKS tham gia công tố từ khi nhận tin báo tố giác tội phạm.
 
Trong phiên họp sáng nay, trước việc VKS đề nghị mở rộng thẩm quyền điều tra một số loại tội phạm vi phạm hoạt động tư pháp và tất cả các loại tội phạm tham nhũng, Thường vụ cho rằng cần cân nhắc kỹ, cụ thể hơn.
 
Chiều nay, Thường vụ tiếp tục phiên làm việc với phần cho ý kiến dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bảo Hà 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật