“Gợi mở để ép bị cáo thừa nhận tội thì chẳng khác nào đã có định kiến sẵn hành vi đó chắc chắn là tội phạm”, thẩm phán Phạm Công Hùng nói.
Quy định việc xét hỏi bị cáo tại phiên tòa hiện nay trong Bộ luật hình sự chỉ mang tính nguyên tắc. Về trình tự, theo điều 207, chủ tọa phiên tòa có quyền hỏi trước rồi đến các hội thẩm nhân dân, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Về nội dung xét hỏi, khoản 2 Điều 209 chỉ quy định bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự chưa có quy định cụ thể về việc hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải hỏi bị cáo như thế nào. Theo kiểm sát viên Trần Quyết Chiến (VKSND TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), luật quy định như vậy là hợp lý vì không phải vụ án nào cũng giống nhau. Mỗi vụ có tình tiết, chứng cứ và bị cáo khác nhau nên luật không thể quy định chủ tọa phải xét hỏi về ý gì và phải xét hỏi như thế nào. Do đó không thể quy định một trình tự chuẩn mà phải đòi hỏi phải có kỹ năng và trình độ xét hỏi của chủ tọa và những người tiến hành tố tụng khác. Hơn nữa, các thẩm phán cũng cần linh động trong cách xét hỏi nhằm làm sáng tỏ vụ án.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM) đồng tình rằng không thể có mô hình chuẩn cho thủ tục xét hỏi tại tòa. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh bất luận lý do gì đi nữa thì việc xét hỏi theo kiểu “gợi ý lộ liễu”, “đỡ lời”, “mớm cung”, “ép cung” đều không chấp nhận được. Bởi lẽ bản chất của việc xét hỏi công khai tại tòa là nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Sự thật này đánh giá tính hợp pháp và hợp lý của hai loại chứng cứ là chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ mới bổ sung (nếu có) tại phiên xử. Như vậy việc xét hỏi sẽ hướng tới mục đích cao nhất là trả lời câu hỏi kết luận điều tra và cáo trạng truy tố bị cáo có hợp pháp, có đúng pháp luật hay không.
Cũng theo thẩm phán Hùng, có nhiều kiểu hỏi khác nhau, không thẩm phán nào hỏi giống thẩm phán nào. Việc hỏi theo kiểu “ép cung” hiện nay khó có thể xảy ra tại phiên tòa nhưng “mớm cung” thì rất dễ xảy ra và tinh thần pháp luật là cấm chuyện này. Thậm chí luật còn cấm việc công bố các bản cung về lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra nếu không có sự mâu thuẫn với lời khai tại tòa để tránh tạo áp lực cho bị cáo.
Không gợi mở theo kiểu chỉ “có”, “không”
Bàn về việc thẩm phán gợi mở khi xét hỏi, nhiều ý kiến cho rằng phải hiểu đúng nghĩa của việc gợi mở, nếu không sẽ dễ bị lạm dụng.
Một thẩm phán chuyên xử hình sự ở TAND TP HCM (đề nghị giấu tên) cho rằng tòa hay bị kêu ca là “ôm” hết phần xét hỏi, nhiều khi làm thay cả chức năng của VKS vì hỏi như kiểu buộc tội bị cáo. Thực tế thì việc hỏi nhiều hay ít, có gợi mở được vấn đề hay không phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của mỗi thẩm phán. Nhưng nếu phần lớn thời gian thẩm vấn mà chủ tọa gợi mở được những câu hỏi nhằm làm rõ bản chất của vụ án thì phiên tòa đó có chất lượng. Hỏi gợi mở là những câu hỏi luôn có từ “vì sao?” để người trả lời lý giải vấn đề đặt ra và không thể nói ngay đáp án “có” hay “không”.
Luật sư Đinh Văn Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM) bổ sung: Tòa xét hỏi để tìm tòi thêm các tình tiết của vụ án, thậm chí có thể hỏi theo hướng suy đoán vô tội nếu thấy còn lợn cợn nhiều vấn đề. Như vậy, thủ tục này cần phải lấy yếu tố quyền con người (quyền của bị cáo nói riêng) để đặt lên hàng đầu.
Gợi mở trong xét hỏi tại tòa chính là câu hỏi của chủ tọa sẽ tạo điều kiện cho bị cáo trình bày những vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Chủ tọa có nghĩa vụ phải gợi mở cho bị cáo thực hiện quyền tự bảo vệ của mình và làm rõ hơn vụ án. Từ lời trình bày ấy, thẩm phán đối chiếu với các lời khai trong hồ sơ và các chứng cứ khác, phân tích về độ chính xác rồi mới đánh giá là có chấp nhận hay không. Với những vụ án đơn giản, tình tiết không quá phức tạp thì việc khơi gợi khi xét hỏi giúp phiên tòa tránh được không khí tẻ nhạt, vô vị.
Thẩm phán Phạm Công Hùng nhận xét: Nếu gợi mở theo kiểu dẫn ra một tình tiết trong hồ sơ hoặc cáo trạng rồi hỏi bị cáo có đúng như vậy không thì không đúng nguyên tắc. Đây chỉ được xem như một động tác nhằm hợp thức hóa hồ sơ, nhắc lại những cái đã cũ và có thể tạo ra hậu quả pháp lý lớn. Bởi nếu bị cáo đã từng bị ép cung tại cơ quan điều tra mà ra tòa thẩm phán vẫn theo mạch xét hỏi dựa vào các bút lục đó thì rất bất lợi cho bị cáo. “Gợi mở để ép bị cáo thừa nhận tội thì chẳng khác nào đã có định kiến sẵn từ đầu là hành vi đó chắc chắn là tội phạm”, ông Hùng nói.
Theo Pháp luật TP HCM