Cập nhật lúc: 12/2/2013 2:10:21 PM

Không giảm án cho nhóm truy sát giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn

TAND Tối cao nhận định, bản án sơ thẩm có 3 sai sót nhưng không nghiêm trọng nên đã bác kháng cáo 4 người bị kết tội tham gia truy sát giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn. 

Ngày 9/8, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 4 người bị cáo buộc tham gia truy sát ông Đào Quang Minh (Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội), gồm: ông Nguyễn Quang Đạt (53 tuổi), Ngô Quang Dũng (38 tuổi), Nguyễn Mạnh Hùng (19 tuổi) và Đỗ Đức Thụ (38 tuổi).

Bản án sơ thẩm ngày 15/5 đã tuyên phạt ông Đạt 20 năm tù, Dũng 19 năm, Hùng 19 năm, Thụ 19 năm về tội Giết người.

Theo bản án, ông Đạt (Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh và dịch vụ thiết bị y tế) ký kết hợp đồng liên kết với Bệnh viện Thanh Nhàn về việc phục vụ tang lễ. Ông Đạt và em vợ góp vốn 7 xe ôtô.

Tháng 5/2005, công ty tiếp tục hợp đồng với bệnh viện đầu tư thêm thiết bị máy móc phục vụ khám chữa bệnh, với thỏa thuận ông Đạt phải nộp 5% doanh thu xe tang lễ, 15% thiết bị máy móc. Tháng 7/2012, giám đốc bệnh viện nâng mức thu, yêu cầu công ty của ông Đạt nộp lần lượt là 10% và 30% cho mỗi loại hình hoạt động. Việc này khiến doanh thu của công ty bị giảm.

Tháng 12/2012, bệnh viện chưa ký hợp đồng mới nên khoảng một tháng sau, ông Đạt nói chuyện với em vợ về sự việc trên. Dũng đề xuất đánh cảnh cáo giám đốc Minh nhưng ông Đạt chưa đồng ý. Khi thuyết phục được anh rể, Dũng nói phải “dằn mặt” ông Minh sau đó lên kế hoạch thuê sát thủ.

Ngày 1/3, ông Minh dẫn đầu đoàn công tác từ Hà Nội lên Thái Nguyên, Dũng cùng Thụ, Hùng (hai người đâm thuê chém mướn) chạy xe máy bám theo.

Khi xe đến ngã ba Thạch Lỗi, huyện Sóc Sơn, nhân lúc đoàn công tác dừng xe đi vệ sinh Hùng cầm dao chém xông tới chém ông Minh gây tổn hại 56% sức khỏe. Nhóm Thụ, Hùng sau đó được Dũng trả 31 triệu đồng.

Tại phiên xử sáng nay, Dũng nhận là chủ mưu vụ việc. HĐXX ghi nhận ý kiến bào chữa của luật sư cho rằng, ông Đạt không tham gia vào việc giết người, đã có ý ngăn cản. Bị cáo từng đi bộ đội và có nhân thân tốt. Mục đích thuê côn đồ không phải giết người, mà chỉ đe dọa.

Theo luật sư, cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng vượt quá giới hạn xét xử khi đưa thêm tình tiết “giết người đang thi hành công vụ” làm bất lợi cho các bị cáo. Đại diện VKSND Tối cao trong phần tranh tụng cũng đồng ý với quan điểm này nhưng cho rằng việc vi phạm đó không nghiêm trọng.

Cấp phúc thẩm sau khi xem xét, cho rằng bản án sơ thẩm có 3 sai sót: các bị cáo phạm tội giết người nhưng không xảy ra chết người nên hành vi chưa đạt song bản án chưa nêu lên. Hùng và Thụ chưa bồi thường nhưng đã được bản án ghi nhận và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Hùng và Thụ hiện còn thu lời bất chính từ việc chém thuê, song cấp sơ thẩm chưa quyết định tịch thu xung quỹ. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm cho rằng những sai sót trên không nghiêm trọng, chỉ ra để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm và sẽ được bổ sung.

HĐXX cũng bác quan điểm luật sư về việc cấp phúc thẩm đã vượt quá giới hạn xét xử. Chủ tọa cho rằng, theo nghị quyết 04 của TAND Tối cao, có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn, nhẹ hơn trong cùng một điều luật. Ông Minh bị chém khi cùng đồng nghiệp đi công tác nên xác định "đang thi hành công vụ" là đúng.

Tại tòa, cấp phúc thẩm cũng ghi nhận các bị cáo ăn năn, khai nhận thành khẩn, song thấy vụ án trên đặc biệt nghiêm trọng, bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan.

“Phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết mới nên không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo”, chủ tọa tuyên bố, đồng thời giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Việt Dũng 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật