Cập nhật lúc: 12/2/2013 2:15:10 PM

Luật sư 'gỡ' cho người, 'vướng' mình

Ở giai đoạn xét xử, luật sư đã có “nhiều thời gian hơn để phát biểu” song do nhiều “cơ chế và áp lực khác nhau”, những lý lẽ bào chữa của luật sư không phải lúc nào cũng được cân nhắc khi Tòa án ra phán quyết.

Trước đến nay, do pháp luật thực định còn nhiều hạn chế, vướng mắc, khiến cho địa vị pháp lý của người bào chữa không được coi trọng, mang nặng tính hình thức, quyền tiếp cận với dịch vụ pháp lý không được đảm bảo, không thật sự giúp ích hiệu quả cho người bị tình nghi phạm tội, cũng như người bị điều tra, xét xử, thi hành án. Điều bức xúc nhất trong giới luật sư hiện nay là việc một số cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương cản trở, gây khó khăn cho việc tham gia của luật sư.

Bộ luật Tố tụng Hình sự đã có những qui định về các quyền bào chữa và được nhờ người khác bào chữa nhưng không có qui định cách thức thông báo, giải thích quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa, cung cấp danh sách người bào chữa trên địa hạt tố tụng để người cho người bị tạm giữ, bị can lựa chọn và thực hiện quyền của mình nên trong suốt nhiều năm, người bị tạm giữ, bị can vì nhiều lý do đã “lãng quên”, thậm chí “buộc phải lãng quên” quyền được bào chữa và luật sư vì thế cũng mất cơ hội được thực hiện quyền bào chữa.

Thậm chí đến 8 năm sau, khi Thông tư 70/2011/TT-BCA qui định “ngay từ khi lập biên bản giao nhận quyết định bắt giữ người tạm giữ, quyết định khởi tố, bắt giam bị can, điều tra viên bắt buộc phải hỏi và ghi nhận vào trong biên bản ý kiến của họ về việc có nhờ người bào chữa hay không” thì việc tiếp cận quyền bào chữa của luật sư ở giai đoạn “cửa ngõ” của quá trình tố tụng có hiệu quả hay không vẫn hoàn toàn còn phụ thuộc vào "thiện chí” của các cơ quan điều tra.

Thực tế, người bị tạm giữ, bị can “không biết mình có quyền được nhờ luật sư bởi chẳng ai bảo cho mà biết”. Có đến 47% luật sư được hỏi cho rằng, bị can, người bị tạm giữ chưa nhận được sự trợ giúp hữu ích từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng khi chỉ thỉnh thoảng, cơ quan điều tra mới giải thích rõ cho họ về quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa theo qui định của pháp luật.

Và mới có một luật sư tại TP HCM được chứng kiến việc điều tra viên lập biên bản về nguyện vọng của người bị tạm giữ, bị can về việc nhờ luật sư.

Đó chỉ là một trong những qui định mà pháp luật đã “tạo điều kiện” cho luật sư bị “rơi vào vòng xoáy thủ tục” do cơ quan điều tra đặt ra mà không phải luật sư nào cũng có thể giải quyết được vì “không có mối quan hệ với cơ quan điều tra”. Có đến 3.000 ý kiến luật sư ở TP HCM phản ánh về bất cập này. Và nhiều khi vì quá khó khăn, khách hàng đã đề nghị luật sư “đi vòng ngoài” để tiếp cận với các điều tra viên nhưng không muốn nên luật sư đã không hành nghề trong lĩnh vực hình sự nữa” là trường hợp của luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật).

Vẫn biết rằng, khi luật sư tham gia một vụ việc, ít nhiều gây cản trở quá trình điều tra, song như Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp trung ương Lê Thị Thu Ba nhận định: “Nếu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán “cứng” về nghiệp vụ thì không có gì phải “ngại” luật sư”.

Tuy vậy, điều bức xúc nhất trong giới luật sư hiện nay là việc một số cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương cản trở, gây khó khăn cho việc tham gia của luật sư và những phản ánh về tình trạng đó lại chỉ được giải quyết theo kiểu… “con kiến kiện củ khoai”.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Cần Thơ) từng khiếu nại với cuộn băng ghi âm cho thấy điều tra viên đã giả ý kiến của người bị tạm giữ từ chối luật sư. Cơ quan điều tra phải xin lỗi, thay đổi Điều tra viên của vụ án và kỷ luật điều tra viên. Nhưng không phải luật sư nào cũng “may mắn” như ông Đức.

Mỗi năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đều tiếp nhận hàng chục vụ việc cụ thể của luật sư về hành vi đa dạng xâm phạm quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa song phần lớn khiếu nại, kiến nghị, tố cáo của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng ở giai đoạn điều tra không được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật…

Quyền bào chữa gắn chặt với chức năng gỡ tội, có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với các chức năng cơ bản khác của tố tụng hình sự Việt Nam là chức năng buộc tội và xét xử. Tuy nhiên, do mô hình tố tụng hình sự hiện vẫn theo mô hình thẩm vấn, nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được thực hiện đầy đủ.

Mặc dù Nghị quyết 49 nhấn mạnh đến việc phát triển mô hình tố tụng tranh tụng nhưng mới được triển khai về hình thức. Ở giai đoạn xét xử, luật sư đã có “nhiều thời gian hơn để phát biểu” song do nhiều “cơ chế và áp lực khác nhau”, những lý lẽ bào chữa của luật sư không phải lúc nào cũng được “cân nhắc khi Tòa án ra phán quyết”…

Một phần cũng do luật sư đang được khoác “chiếc áo” bổ trợ Tư pháp nên thiếu cơ hội để được “bình đẳng và độc lập trong quá trình tố tụng”. Và dù rất nhiều qui định về quyền bào chữa nhưng “thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện” đã khiến quyền hành nghề của luật sư cứ liên tục bị “va vấp”, thậm chí khiến có luật sư quyết định “không hành nghề trong lĩnh vực hình sự”…

Không chỉ các luật sư mà nhiều chuyên gia pháp lý đều cho rằng, hạn chế quyền bào chữa, thu hẹp tiến trình luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự của luật sư còn ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, xác định sự thật khách quan của vụ án, khả năng tiếp cận công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp. Đồng thời khiến nguy cơ rủi ro trong quá trình hành nghề của luật sư tăng thêm, gây “tâm lý hoang mang”, giảm hiệu quả “sức chiến đấu của những “hiệp sỹ” công lý”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp TW: Phải thấy rõ sự cần thiết của luật sư trong quá trình cải cách Tư pháp

- Có nhiều vấn đề cần giải quyết để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động luật sư, trong đó có vấn đề thể chế hoạt động và tổ chức hành nghề luật sư, tình trạng đội ngũ luật sư tăng nhanh về số lượng nhưng phân bổ không đồng đều, cân đối giữa vùng miền, việc tham gia tố tụng của luật sư trong các vụ án hình sự chủ yếu theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (54%), còn các vụ án khác “vẫn trống luật sư”…

Các cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động tố tụng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với sự công tâm vì hoạt động tố tụng liên quan đến thân phận pháp lý, tài sản, tính mạng của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Bộ Tư pháp, LĐLS VN phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ LS theo qui định để khắc phục những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng LS, góp phần vào công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục để xã hội hình thành nhận thức sâu sắc về vai trò, sự cần thiết của LS trong quá trình cải cách Tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Theo Pháp luật Việt Nam 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật