Ngày 20.8, UB Pháp luật của Quốc hội (QH) đã họp bàn về việc xây dựng luật. Tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cần giữ loại quy phạm là thông tư.
Theo ông, nếu không có thông tư thì không thể thi hành luật, vì đó là văn bản để giải thích luật, ông cũng đề nghị cân nhắc giữ quy định về hình thức nghị quyết của QH. Bởi khoản 10 Điều 70 của Hiến pháp quy định thẩm quyền của QH là bãi bỏ văn bản của Chủ tịch Nước, Uỷ ban Thường vụ QH, Chính phủ, Thủ tướng, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, khi các văn bản này trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của QH. Do đó, nếu không quy định nghị quyết của QH là văn bản quy phạm pháp luật thì không thể dùng nghị quyết đó để bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Phó Chánh án TAND Tối cao Tưởng Duy Lượng cũng đề nghị cân nhắc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thông tư, ví như thông tư liên tịch của tòa án liên quan đến nhiều vấn đề trong quá trình quản lý, xét xử. Nếu không sẽ cách xa thực tiễn.
Nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận nêu thực tế: Việc hoạch định chính sách nhiều khi lãnh đạo bộ không để ý, mà do lãnh đạo cấp vụ làm. Vậy bao nhiêu phần trăm nội dung của chính sách chứa đựng điều thực tiễn cần?. Theo ông Thuận, cần thay đổi chủ thể chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Dù đúng tinh thần Hiến pháp, nhưng phải trao cho cơ quan lập pháp quyền cho phép trình hay không trình? tránh nhiều ý kiến không được cơ quan soạn thảo tiếp thu.