Cập nhật lúc: 12/2/2013 12:48:59 PM

Xử “đại án” tham nhũng tại Vifon: Lạ kỳ, 2 Bộ Tài chính và Công thương từ chối là… bị hại!

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã không thực hành đầy đủ quyền nguyên đơn dân sự, cả 2 bộ này cũng chưa bao giờ có đơn đòi bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo.

Chiều hôm qua (25.11), phiên xử “đại án” tham nhũng tại Công ty Vifon tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo với VKSND. Luật sư cho rằng, Bộ Công Thương thì từ chối nguyên đơn dân sự (người bị hại) trong vụ án này, Bộ Tài chính cũng vắng mặt suốt phiên xử từ tuần trước đến nay, Bộ Tài chính cũng từ chối là nguyên đơn dân sự… Vậy ai là bị hại trong vụ án này? Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cần xem xét có phải là vụ án “tham ô tài sản” của Nhà nước?
Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó Tổng giám đốc Vifon) - cho rằng: “Đến hôm nay, đại diện Bộ Tài chính vẫn không có mặt tham dự phiên tòa. Về mặt lịch sử quá trình hình thành Vifon, thời điểm vốn 100% nhà nước, từ thời gian 51% vốn Nhà nước và đến khi 100% cổ đông tư nhân, cần phải có cái nhìn xuyên suốt các giai đoạn để biết được vốn Nhà nước có bị các bị cáo chiếm đoạt hay không? Trong khi đó, nguyên đơn dân sự lại từ chối trách nhiệm của mình, thậm chí không tham gia phiên tòa”.

Luật sư Phan Trung Hoài cũng nhấn mạnh: “Cần xác định các bị cáo chiếm đoạt của Nhà nước là bao nhiêu? Toàn bộ phần vốn của Nhà nước giao cho các bị cáo quản lý, đã được bảo toàn, cũng như các phần vốn liên doanh đều được báo cáo cơ quan thuế, Bộ Công nghiệp… là 127 tỉ đồng, số tiền này không bị chiếm đoạt mà đã được giao về cho Nhà nước. Đối với số tiền 43 tỉ đồng là phần chi phí của Vifon bỏ ra liên doanh với 2 Công ty khác. 43 tỉ đồng này đều được báo cáo rất rõ về Bộ Công nghiệp, Cục Thuế TPHCM.

Như vậy, 43 tỉ đồng nằm trong phần vốn của Nhà nước đặt tại Vifon, mặc dù Vifon báo cáo đến Bộ Công nghiệp, Cục Thuế TPHCM để xem xét xử lý, thế nhưng các cơ quan chức năng này chưa trả lời, thì lại có đơn tố cáo là bà Huyên âm mưu chiếm đoạt. Như vậy tố cáo này là không chính xác”.

“Khoản tiền hơn 9,8 tỉ đồng mà Viện KSND TPHCM truy tố bị cáo Huyền và thu hồi, thì đây là không phải nguồn tiền của Nhà nước, nên đề nghị HĐXX xem xét. Kiến nghị HĐXX xem xét đối với giám định viên, vì giám định này vi phạm nghiêm trọng các quy định, vì giám định viên ra bản giám định lại đi buộc tội các bị cáo. Giám định viên tư pháp của Bộ Tài chính cử làm giám định viên, giám định thiệt hại, nhưng Bộ Tài chính lại là nguyên đơn dân sự trong vụ án, là người bị hại trong vụ án, vậy có khách quan không?

Nhưng ngay cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã không thực hành đầy đủ quyền nguyên đơn dân sự, cả 2 bộ này cũng chưa bao giờ có đơn đòi bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo. Ngay cả tại phiên tòa này, đại diện Bộ Công Thương cũng từ chối quyền trách nhiệm nguyên đơn dân sự, nghĩa là từ chối là người bị hại, Bộ Tài chính cũng vắng mặt. Vậy cả 2 bộ này xác định trong vụ án này không có thiệt hại tài sản của Nhà nước, các bị cáo không chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Như vậy đề nghị HĐXX xem xét, vì bị cáo Huyền không tham ô tài sản của Nhà nước” - luật sư Phan Trung Hoài tranh luận.

“Bà Huyền không phải là chủ tài khoản, không là người trực tiếp quản lý khoản tiền. Rất nhiều người tham gia ký vào các phiếu thu, chi, nhưng Viện KSND chỉ truy tố một mình bị cáo Huyền tội tham ô tài sản là chưa thỏa đáng, đề nghị HĐXX xem xét” - luật sư nêu.

Việc chiếm đoạt tài sản của Vifon, nhưng hiện nay Công ty Vifon lại đang nợ gia đình bà Huyền trong 2 bản án phúc thẩm do TAND Tối cao đã tuyên, mặc dù phía Công ty Vifon cho rằng đang kiến nghị giám đốc thẩm 2 bản án này. Nhưng đến thời điểm này, thì Công ty Vifon vẫn nợ của gia đình bà Huyền hơn 12 tỉ đồng. Trong khi đó, quy buộc bà Huyền chiếm đoạt của các cổ đông Công ty Vifon số tiền 1,3 tỉ đồng là không có căn cứ - luật sư Phan Trung Hoài khẳng định.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) cũng cho rằng, không xác định người bị hại, bởi cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều từ chối quyền nguyên đơn dân sự, vậy các bị cáo chiếm đoạt tiền của Nhà nước hay không? Bởi cả hai bộ này nhận định rằng, các bị cáo không chiếm đoạt tiền của Nhà nước…! Mà không thiệt hại tài sản của Nhà nước thì không có căn cứ quy buộc bị cáo Bi “cố ý làm trái…”.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo Hồng và Liên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt so với Viện KSND TPHCM đề nghị, vì những bị cáo này khai báo thành khẩn, thân nhân tốt, vi phạm lần đầu, cũng như phạm tội hạn chế...

Phiên tòa tạm dừng lúc 17h45 chiều nay (25.11); ngày hôm nay (26.11) tòa tiếp tục diễn ra.

Theo Phùng Bắc
Báo Lao động 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật