Sau khi nghỉ giải lao, tòa tiếp tục.
VKS hỏi ông Nguyễn Văn Hòa: “
thực chất đây là tiền gửi liên NH của ACB núp dưới ủy thác cá nhân đúng không? 19 nhân viên nhận ủy thác thì phải chịu trách nhiệm về khoản tiền, người ta có quyền chủ động quyết định, sao các anh lại giúp họ tìm kiếm, thỏa thuận lãi suất?”
Ông Hòa: “tôi không biết vì sao, tôi chỉ nhận được chỉ thị của cấp trên.”
Ông Hòa tiếp tục nhấn mạnh rằng hoạt động gửi tiền với lãi suất vượt trần là lỗi từ Vietinbank, vì đây là ngân hàng huy động vượt trần.
Tòa xét hỏi Huỳnh Thị Huyền Như. Huyền Như tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Huyền Như kể lại quá trình chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng của ACB đã khai với cơ quan điều tra.
“Vào lúc Ngọc liên hệ gửi tiền, Vietinbank không chủ trương huy động vượt trần lãi suất, khi nhận tiền gửi của chị Ngọc mà sau này mới biết là của ACB, tôi không trình lãnh đạo là nhận tiền gửi vượt trần. Hoa hồng tiền gửi cho chị Ngọc tôi trích từ tài khoản cá nhân của tôi.”
Tòa hỏi Huyền Như,
sơ hở nào của ACB có thể tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tiền, Như trả lời:
“Theo quy định 184 về mở tài khoản của NHNN, khách hàng khi mở tài khoản phải đến trực tiếp NH để nhân viên NH đối chiếu thông tin nhưng trong trường hợp này, khách hàng của chị Ngọc không thực hiện đúng điều đó.
Ngoài ra, sau khi ký kết HĐ tiền gửi, không bất cứ có phản hồi nào về các hợp đồng tiền gửi mà tôi đã cung cấp. Sau khi tiền về tài khoản, chủ tài khoản có quyền kiểm tra và quản lý số tiền trong tài khoản và yêu cầu NH, nếu phát hiện tài khoản bị sử dụng sai mục đích thì phải báo NH nhưng phía người gửi đã không có động thái đó. Chị Ngọc không quan tâm tôi trích tiền để làm gì mà chỉ quan tâm đến lãi suất. Đó là các cơ sở để tôi có thể sử dụng số tiền này.”
Động cơ để Như chiếm đoạt số tiền là do các khoản nợ của Như quá nhiều.
Huỳnh Thị Bảo Ngọc không thừa nhận những lời Như nói.
Như khẳng định lần nữa về những sơ hở của ACB. “Có thể do không phải tiền túi của người ta bỏ ra nên người ta mới không quan tâm, tạo điều kiện cho tôi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Về bản thân Vietinbank, do tôi là nhân viên trong đó nên mọi người nghĩ Vietinbank có trách nhiệm nhưng như tôi đã trình bày, nếu ngay từ đầu, người gửi tiền có trách nhiệm quan tâm đến khoản tiền của mình thì tôi không thể chủ động thực hiện các việc chuyển tiền mà họ không biết.
Theo tôi, sai phạm của tôi đã rõ từ phiên tòa trước, tất cả số tiền ACB là do tôi có ý định chiếm đoạt từ trước. Tôi cùng nhóm KH bên đó đã thực hiện giao dịch mà không trình báo ban lãnh đạo.
--------------
Ngày 23/5/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Kiên đã bước sang ngày thứ 4.
Sáng nay, tòa tiếp tục thẩm vấn. Chủ tọa cho biết, hôm nay tòa sẽ tập trung thẩm vấn về hành vi ủy thác cho nhân viên đem tiền đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao của ACB.
8h30, phiên tòa bắt đầu.
NHNN thừa nhận trước luật TCTD 2010, không có luật nào quy định ủy thác gửi tiền
“Theo luật các TCTD 2010 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, NHTM được quyền ủy thác và nhận ủy thác. Trong thời gian từ năm 2010 – 2011, trước khi luật này có hiệu lực thì việc ủy thác đầu tư được điều chỉnh theo quyết định 742, việc ủy thác đi gửi tiền tiết kiệm không có luật nào quy định. Những văn bản trái với luật này thì phải dừng và không được thực thi. Vào thời điểm các bị cáo phạm tội thì NHNN chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể về việc ủy thác.
Liên quan đến việc các NH đem tiền đi gửi tiền vào NH khác để hưởng lãi suất cao hơn, mà cụ thể là ACB, NHNN đã nói rất rõ với cơ quan điều tra là vi phạm điều 106 Luật các TCTD. Chúng tôi giữ nguyên quan điểm này.”
Ông Nguyễn Đức Kiên được cách ly sang phòng khác khi tòa xét hỏi ông Lý Xuân Hải.
Ông Lý Xuân Hải nhắc lại về nghị quyết của HĐQT ACB ngày 22/3/2012 chủ trương ủy thác cho nhân viên đem tiền đi gửi tiết kiệm tại Vietinbank. Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hoà là người trực tiếp điều hành nhân viên thực hiện và báo cáo lại với ông Hải.
Kế toán trưởng ACB chỉ biết Huyền Như khi siêu lừa bị bắt
Ông Nguyễn Văn Hoà cho biết chính mình là người ký hợp đồng ủy thác cho các nhân viên. Trong đó Huỳnh Thị Bảo Ngọc được giao toàn quyền là người liên hệ với Vietinbank CN Hồ Chí Minh và các ngân hàng khác để tìm kiếm “mối” có hoa hồng tiền gửi cao. ACB đã thực hiện chuyển tiền cho nhân viên qua tài khoản. Người đã có tài khoản thì chuyển tiền vào rồi ký hợp đồng ủy thác, người chưa có thì chuyển tiền vào rồi mở tài khoản sau.
Ông Hoà không biết Huyền Như, chỉ biết bà này khi bị bắt. Theo ông Hoà, việc mình thực hiện các thủ tục ứng tiền và gửi tiền là đúng quy định, việc thu và trả phí hoa hồng tiền gửi cũng là một nghiệp vụ của ngân hàng tuy không biết có quy định trong văn bản pháp luật nào không.
Đại diện NHNN – Thanh tra NHNN giữ quan điểm ngân hàng đem tiền đi gửi vào ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn là vi phạm luật TCTD
Tòa hỏi NHNN và đại diện NHNN khẳng định lại, theo Quyết định 1284 ban hành ngày 21/11/2002 của NHNN thì quá trình gửi tiền các NH đem tiền đi gửi tiền vào NH khác để hưởng lãi suất cao hơn là vi phạm pháp luật.
Huỳnh Thị Bảo Ngọc trả lời không biết Huyền Như từ trước đó mà sau khi được giao việc đi liên hệ tìm ngân hàng có hoa hồng tiền gửi cao thì mới biết Như thông qua gọi điện tới Vietinbank. Huyền Như là người trực tiếp giao dịch, thỏa thuận lãi suất với Ngọc. Lãi suất và hoa hồng được ghi trên hợp đồng, tất cả đều thuộc về ACB.
Một trong các nhân viên được ủy thác đem tiền đi gửi đứng lên đọc lại quá trình thực hiện việc đi gửi tiền.
Huỳnh Thị Bảo Ngọc tiếp tục khai, "Theo quy trình làm việc, dù nhân viên chưa có tài khoản nhưng chuyển tiền trước rồi mới ký hợp đồng ủy thác là không sai. Tôi không có trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro gì trong việc đem tiền gửi vào Vietinbank. Điều này đã được tham khảo ý kiến pháp chế…
Đại diện NHNN đọc lại quy trình chung khi thực hiện gửi tiền, giao dịch khi thanh toán, ủy quyền sử dụng tài khoản…
10h00, tòa giải lao 10 phút
Trong giờ nghỉ giải lao, bầu Kiên được gặp và nói chuyện với vợ - bà Đặng Ngọc Lan dưới sự kiểm soát của an ninh
(Tòa mở phiên tòa xét xở sơ thẩm bầu Kiên và 8 đồng phạm trở lại sau khi tạm hoãn ngày 16/4. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/6. Tòa án quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá do bệnh nặng và đang rất yếu)
9 bị cáo bị xét xử gồm:
- Ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư, nguyên phó chủ tịch HĐQT, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị xét xử về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
- 6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cùng với Nguyễn Đức Kiên gồm:
+Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB)
+ Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+ Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+ Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên TGĐ Ngân hàng ACB)
+ Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB)
- 2 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:
+ Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
+ Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội ).
|
Hải Minh - N.Hằng