Cập nhật lúc: 12/2/2013 2:29:52 PM

Chưa có quy định cho dân kiện chính sách Nhà nước

Vì sao nhiều quy định ít khi được thực hiện đúng thời điểm có hiệu lực, chất lượng xây dựng văn bản pháp luật đang khiến nhiều người lo ngại, có hay không lợi ích nhóm... là những câu hỏi được đặt ra với Bộ trưởng Hà Hùng Cường vào sáng 20/8. 

Hôm nay, ông Hà Hùng Cường là bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ về trách nhiệm trong việc tham mưu xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành; việc ban hành, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu về việc nợ đọng văn bản pháp luật trong năm 2013 "tăng đột biến", người đứng đầu Bộ Tư pháp thừa nhận đây là thực tế. Nguyên nhân khách quan được ông Hùng đưa ra là do nhiều bộ ngành chưa tập trung cho công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật mà dồn công sức điều hành vĩ mô trong tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) nghi ngại có đang có tình trạng "tham nhũng về chính sách", lợi dụng quyền được ban hành văn bản. Ông cho rằng nên trao quyền khởi kiện cho người dân nếu phát hiện cơ quan nhà nước ra văn bản luật sai. Cụ thể hơn, đại biểu Trương Sơn Hà (Hà Nội) muốn Bộ Tư pháp ngăn chặn ngay tình trạng "xây dựng luật phục vụ cho lợi ích nhóm, cơ quan xây dựng luật đẩy cái khó cho người dân".

Tán thành lý do luật chậm đi vào cuộc sống vì thiếu văn bản hướng dẫn, nhưng đại biểu Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) cho rằng còn có nguyên nhân khác là công tác phổ biến còn hạn chế. "Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này thế nào", ông Vở đặt ra câu hỏi.

Với thái độ điềm tĩnh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cởi mở cho biết việc chậm ban hành văn bản hay xây dựng các dự án luật không đạt chất lượng là một trong những tiêu chí để đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu mỗi ngành. Nhiều năm qua, Bộ Tư pháp đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Cường cho biết quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất chặt chẽ, tuy nhiên chưa có sự kiểm soát tập trung. Có những vấn đề bất hợp lý, qua thẩm định, Bộ phát hiện ra nhưng cũng có nội dung thì chưa. Bộ trưởng cho rằng "không loại trừ có thể có" khi trả lời về lo ngại xảy ra tham nhũng khi xây dựng chính sách pháp luật.

Dẫn chứng nhiều quốc gia trên thế giới không trao quyền cho người dân khởi kiện chính sách do nhà nước ban hành, ông Cường cho rằng tại Việt Nam cũng vậy. Ông giải thích, công tác lập pháp là của nhà nước nên không thể đưa vấn đề này ra tòa án. Việc bồi thường cũng không có tiền lệ.

Chưa bằng lòng với câu trả lời, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tiếp tục chất vấn: "Bộ Tư pháp được giao giám sát nhưng không làm tròn trách nhiệm. Người dân mong muốn Bộ trao quyền đó cho họ để bảo vệ quyền lợi của mình. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, người dân sai thì nhà nước phạt còn nhà nước sai mà không bồi thường thì không được. Đứng về phía người dân, tôi không đồng tình".

Ông Thuyền dẫn chứng vụ Công an Hải Dương bồi thường 650 triệu đồng cho nông dân tại Cần Giờ (TP HCM) khi tạm giữ một xe tải chở 4 tấn bạch tuộc khiến lô hàng hư hỏng. "Vụ này Công an Hải Dương cư xử rất sòng phẳng. Tôi mong Bộ trưởng suy nghĩ lại và trả lời", vị đại biểu ở đầu cầu truyền hình tại tỉnh Lâm Đồng nói.

Bộ trưởng Cường giải thích, người dân có thể khởi kiện cơ quan nhà nước khi ra quyết định xử lý trái quy định và được nhận bồi thường. Trường hợp với Công an Hải Dương là như vậy. Còn việc khởi kiện chính sách, quy định của nhà nước, luật chưa quy định. Có chăng khi ra đời tòa án hiến pháp, cơ quan này sẽ là nơi ra phán quyết với những thông tư, nghị định, điều luật trái với tinh thần của Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ Tư pháp cần thẳng thắn đánh giá việc thẩm tra, xây dựng pháp luật "làm đã tốt chưa, mức độ hay dở thế nào" tránh việc trình ra Quốc hội nhưng cứ phải "rút ra rút vào, sửa đi sửa lại" do chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Đại biểu Vũ Thị Tuyết Mai nhận thấy vì thiếu văn bản hướng dẫn, nhiều chính sách khi ra đời đã không vận hành được, dường như "án binh bất động", hiếm thấy có cái nào được triển khai đúng ngày có hiệu lực. Minh chứng cho điều này bà Mai đưa ví dụ về những chính sách giúp đỡ bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người nhiễm chất độc da cam..., dù rất thiết thực song lại không thể đi vào cuộc sống.

Tán thành quan điểm của bà Mai, một đại biểu tính trung bình mất từ 6 tháng đến một năm để văn bản luật đi vào cuộc sống. "Rất chậm và rất lâu. Tình trạng này kéo dài bao nhiêu năm, bao nhiêu nhiệm kỳ rồi", vị này nói và cho rằng đã đến lúc cần thay đổi tư duy về xây dựng luật, nhất là việc "chờ hướng dẫn".

Tại đoàn Thanh Hóa, đại biểu Lê Nam cho biết ở đâu cử tri cũng kêu luật thì nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống. "Chưa bao giờ có nhiều văn bản gây phản cảm trong nhân dân như vừa qua, làm chính sách ở trên trời. Với những văn bản này, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm soát?", ông hỏi.

Bộ trưởng Tư pháp thẳng thắn thừa nhận không có nước nào lại ban hành nhiều thông tư như nước ta. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, pháp luật chỉ quy định những cái chung nhất, nên thừa nhận vai trò giải thích pháp luật của tòa án và cho phép ban hành án lệ để giảm thiểu thông tư.

Bổ sung phần trả lời của Bộ trưởng Cường, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết chương trình, tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật đã có nhiều cố gắng, có bước tiến dài, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đạt. Có những luật mới, là vấn đề rất khó, khi luật mới ban hành chưa lường trước được điều nào cần hướng dẫn, phương án nào hướng dẫn thế nào. Chính phủ đang cố gắng trong việc này nhưng không thể bằng một nhiệm kỳ được, chỉ có thể hạn chế tối đa.

Khép lại hơn 3 tiếng trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã có gần 40 vị đại biểu đăng ký chất vấn, và có nhiều câu hỏi sẽ được trả lời sau bằng văn bản.

Hoàng Khuê 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật