“Ở nhà nhất mẹ, nhì con”. Một thời gian dài chúng ta thường có thói quen chỉ so sánh mình với chính mình. Và cách so sánh này luôn luôn cho kết quả “nhất mẹ, nhì con”. Tuy nhiên, nếu “Ở nhà nhất mẹ, nhì con”, thì “Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Trong một thế giới hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, điều quan trọng không phải là phấn đấu để xem ai hơn ai giữa mẹ và con trong nhà, mà là phấn đấu để đuổi kịp và vượt qua những kẻ “còn giòn hơn ta”. Đây cũng chính là điều đang được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm thúc đẩy trong những cố gắng cải cách gần đây.
Cách làm là so sánh xem cùng một việc tương tự thiên hạ làm mất bao nhiêu thời gian và chúng ta làm mất bao nhiêu thời gian. Trên cơ sở đó, việc nào chúng ta làm nhanh hơn thì tiếp tục phát huy, còn việc nào chúng ta làm chậm hơn thì tìm cách cắt giảm thời gian trước mắt là cho bằng thiên hạ và sau đó là phấn đấu vượt thiên hạ.
Phép so sánh nói trên cho thấy có vẻ như chẳng có việc nào chúng ta làm nhanh hơn thiên hạ cả. Ngược lại, mọi việc chúng ta đều làm lâu hơn thiên hạ từ 2-3 lần thậm chí rất nhiều lần. Ví dụ, năm 2013, thời gian nộp thuế/ năm của doanh nghiệp ở Indonesia là 259 giờ, ở Thái Lan là 264 giờ, ở Philippines là 193 giờ, ở Malaysia là 133 giờ, ở Brunei là 96 giờ, ở Singgapore là 82 giờ, còn ở ta là 876 giờ. Một vài năm trước, thời gian nộp thuế doanh nghiệp ở ta còn lên đến 1.050 giờ. Nghĩa là nếu lấy chuyện rùa bò làm tiêu chí, chúng ta bao giờ cũng giữ vị trí quán quân.
So sánh với thiên hạ để phấn đấu, Bộ Tài chính đã triển khai một loạt các quy định mới để cắt giảm từ 876 giờ làm thủ tục thuế xuống còn 354 giờ/năm. Đây là một sự cắt giảm mang tính chất đột phá. Tuy nhiên, cứ so sánh với thiên hạ mà xem, với một sự cắt giảm đột phá như vậy, chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững vị trí “quán quân rùa bò”.
Tại sao việc cắt giảm thời gian làm thủ tục hành chính lại khó khăn như vậy? Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là vì gánh nặng thể chế. Không sửa thông tư, không sửa nghị đinh, không sửa luật, không thể rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính. Các thủ tục chủ yếu do các văn bản quy phạm pháp luật đẻ ra và bắt buộc phải thực hiện. Không sửa các quy định pháp lý nhiêu kê và lỗi thời, không thể rút ngắn thời gian làm thủ tục.
Thời gian qua, những cản trở pháp lý do các văn bản dưới luật (thông tư, nghị định), đã được các bộ ngành và Chính phủ sửa đổi một cách hết sức nhanh chóng. Vấn đề là những cản trở pháp lý do các đạo luật tạo ra thì vẫn còn nằm đó. Muốn thúc đẩy cải cách để bắt kịp thiên hạ, điều quan trọng là phải sửa đổi ngay các quy định bất hợp lý của luật. Bóng đang nằm trong chân Quốc hội.