Bên lề kỳ họp chiều 30/5, ĐBQH chia sẻ với phóng viên khi Luật Biểu tình trong chương trình nghị sự sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, năm 2015.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Luật Biểu tình tôi đã phát biểu từ rất sớm rồi. Luật này được đưa ra thảo luận và thông qua trong thời gian mình còn tham gia Quốc hội cũng là điều rất đáng mừng đối với tôi.
Tôi nghĩ đơn giản đã đến lúc chúng ta phải nhận thức được những gì đã có trong hiến pháp thì không thể để treo được.
Câu chuyện hiến pháp treo không phải chỉ riêng Luật Biểu tình mà còn các luật khác như Luật trưng cầu dân ý, lập hội…nếu xảy ra sẽ là điều không chấp nhận được. Chúng ta cũng đừng lấy Việt Nam là đặc thù, đặc biệt sau khi chúng ta đã hội nhập quốc tế.
ĐBQH Dương Trung Quốc
Điều này thế giới đã có đủ kinh nghiệm rồi. Chúng ta đi sau học hỏi kinh nghiệm của họ. Nhất là thực tiễn diễn ra trong thời gian qua thấy rất rõ, nhà nước rất lúng túng khi người dân không biểu thị được mong muốn, nguyện vọng của mình thông qua hành vi biểu tình. Đồng thời nhà nước cũng rất lúng túng về ứng xử khi việc biểu tình vượt qua tầm kiểm soát của mình…
Từ trong thực tiễn đến lý luận chúng ta đều thấy luật này đã đến lúc chín muồi. Tuy nhiên ai cũng biết việc thông qua luật này không đơn giản nên phải có độ lùi nhất định, cũng không thể vội vàng được. Đến kỳ họp thứ 10 mà chúng ta ra được Luật Biểu tình cũng là điều rất đáng ghi nhận.
ĐBQH Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa):
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Luật Biểu tình đã được đặt ra. Thủ tướng cũng đã trả lời sẽ trình dự án ra tại kỳ họp này. Có lẽ do sức ép quá lớn về chương trình xây dựng luật pháp luật nên lúc đầu chưa được đưa vào.
Nhưng bây giờ, trước đề nghị của ĐBQH, trong đó có tôi và tôi cũng cho rằng đây là dịp thuận lợi. Bởi từ năm 1946 đến nay đã là thời gian quá dài chúng ta nợ dân luật này. Bây giờ mình trả nợ cho dân và xây dựng Luật Biểu tình lúc này là rất cấp thiết.
Điều này càng khẳng định tính dân chủ, minh bạch của QH, khẳng định Quốc hội là của dân, nhất là sau khi Hiến pháp được thông qua vào năm 2013.
ĐBQH Lê Nam
Bên cạnh đó việc cần sớm thông qua luật biểu tình xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay. Đến thời điểm này, khi Quốc hội đang họp thì hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc cũng là một nhu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.
Thứ nữa, rõ ràng việc thực hiện biểu tình là quyền hiến định mà yêu cầu thực tiễn phải sớm hiện thực hóa để thực hiện quyền của dân được dễ dàng. Nhưng mặt khác cũng là điều hết sức quan trọng đối với nhà nước, nếu có chế định luật pháp về biểu tình rõ ràng, minh bạch thì người dân có cơ sở thực hiện và nhà nước cũng có cơ sở pháp lý để làm tốt chức năng quản lý đối với hoạt động biểu tình.
Mặt khác chúng ta cũng có cơ sở để đấu tranh với các thế lực lợi dụng biểu tình để chống phá, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng như vừa qua đã xảy ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh.
ĐBQH Hoàng Hữu Phước (TP.HCM):
Tôi đồng tình với chủ trương vừa được Quốc hội thông qua. Lý do thứ nhất đây là quyền hiến định, không sớm thì muộn việc này cũng phải được tiến hành. Trong rất nhiều khóa Quốc hội đã qua do hoàn cảnh cụ thể, tình hình chưa chín muồi, nhưng bây giờ rõ ràng càng lúc nó càng trở thành yêu cầu cấp bách.
ĐBQH Hoàng Hữu Phước
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rút được bài học kinh nghiệm của thế giới và bản thân tình hình cụ thể ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết đây đúng là thời điểm chín muồi để cho ra được một Luật Biểu tình. Với những gì đã xảy ra ở Bình Dương và một số địa phương đã làm người dân hiểu, nhận thức rõ ràng hơn nhu cầu đó như thế nào, khung pháp lý cũng như mức độ thể hiện…
Sở dĩ trước đây tôi thấy luật này chưa đủ chín muồi, tất cả cũng chỉ trên cơ sở ngôn ngữ thôi. Biểu tình là việc hiến định của người dân chứ không phải biểu thị lòng yêu nước như một ĐBQH vừa phát biểu tại kỳ họp này.
Thậm chí chúng ta phải hiểu đây là luật tụ tập đông người thì đúng hơn. Trong đó chúng ta phải chia ra ít nhất thành 3 mảng: mít tinh, tuần hành và biểu tình. Trước đây tôi có tranh luận thì cũng chỉ là tranh luận về mặt ngôn ngữ thôi.
Tôi nhất nút đồng thuận chương trình nghị sự cho năm 2015, trên cơ sở tôn trọng hiến pháp và công nhận quyền hiến định quyền công dân, quyền con người.