Cập nhật lúc: 5/30/2014 10:22:44 AM

Xử bầu Kiên sáng 21/5: Chủ tịch Hòa Phát nói không biết cổ phiếu đã được thế chấp

Bầu Kiên khẳng định, khi thỏa thuận với chủ tịch Hòa Phát không nói việc cổ phần này đã được thế chấp nhưng ông Long, ông Dương và nhiều người khác đều biết điều này. 

Sáng ngày 21/05/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là bầu Kiên) cùng đồng phạm bước sang ngày thứ 2 với phần xét hỏi các bị cáo.
 
Chiều ngày hôm qua, phiên xét xử dừng lại ở phần xét hỏi 2 bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Hôm nay, bầu Kiên xuất hiện tại tòa với áo kẻ sọc và quần tây, không bị cùm chân. Bầu Kiên bắt chuyện vui vẻ với các công an làm nhiệm vụ an ninh ngồi xung quanh.
 
8h, phiên tòa bắt đầu, bầu Kiên lại được cách ly sang phòng khác.
 
Tổng giám đốc Hòa Phát: 24 triệu cổ phiếu HPG do chính ông đề nghị mua

Tòa tiếp tục xét hỏi Nguyễn Thị Hải Yến – kế toán trưởng của công ty Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI)
 
Yến khai, sau khi soạn thảo biên bản họp HĐQT theo chỉ đạo của chủ tịch (mặc dù không được nhìn tận mắt cuộc họp này), Yến giao cho Kiên và Kiên đã đồng ý với nội dung. 
 
Sau khi Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chuyển tiền vào tài khoản của ACBI, Yến báo cáo lại với Kiên và Kiên chỉ đạo việc sử dụng số tiền này. Yến biết số cổ phiếu trên đã được thế chấp tại một đơn vị khác. 
 
Khi được chỉ đạo soạn thảo văn bản “dự kiến chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu”, là kế toán trưởng, Yến biết số cổ phiếu này đã được thế chấp nhưng cho rằng, đây vẫn là tài sản của ACBI.  Yến hiểu về nguyên tắc thì số cổ phiếu này chỉ bán được nếu đã thay thế bằng tài sản đảm bảo khác nhưng “từ dự kiến đến khi thực hiện là một quá trình” và nội dung của biên bản họp HĐQT cũng là “giá dự kiến chuyển nhượng”. Theo nhận thức của Yến thì biên bản này mới là chủ trương, việc thực hiện sẽ được các lãnh đạo triển khai sau.
 
Yến nói, 264 tỷ mà công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chuyển vào có nguồn gốc kế toán hợp lý nên là nguồn tiền hợp pháp. Trong cáo trạng ghi Yến đã chuyển biên bản HĐQT cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát nhưng Yến nói:
 
“Tôi xin đính chính là chưa bao giờ chuyển biên bản HĐQT cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát”
 
Đại diện của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát xác nhận việc chuyển tiền 3 lần vào tài khoản của ACBI mà không biết số cổ phiếu này đã bị thế chấp ở nơi khác. Theo hợp đồng, sau khi bên Hòa Phát giao tiền thì ACBI phải chuyển cổ phiếu.  Sau đó, khi không nhận được cổ phiếu, biết có việc lừa đảo, ngày 5/9/2012 và 5/11/2012, công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã có đơn lên cơ quan điều tra. Đến bây giờ, hợp đồng không thực hiện được, ACBI đã chuyển lại 264 tỷ cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. 
 
Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Đình Long nói: “Trong tập đoàn, công ty nào biết công ty đó. Tôi quen biết với Kiên từ 2001. Bên ACBI có sở hữu 24 triệu HPG. Việc mua số cổ phiếu này do chính tôi đề nghị. Giá mua là 13.200 đồng. Nếu biết số cổ phiếu này đã bị thế chấp thì đã không mua.”
 
Bầu Kiên khẳng định việc cổ phiếu thép Hòa Phát đã bị thế chấp nhiều người biết

Tòa xét hỏi bầu Kiên, ông Kiên nói:
 
“Tôi, anh Long và anh Dương là bạn bè thân thiết lâu năm, đã hợp tác với nhau nhiều dự án. Tôi chưa bao giờ có ý định bán cổ phiếu thép Hòa Phát vì đây là cổ phiếu tốt. Nhưng tầm tháng 3, anh Long nói với tôi, anh đang muốn cơ cấu lại các khoản đầu tư, thoái vốn khỏi công ty BĐS ACB để mua lại cổ phiếu HPG mà ACBI đang sơ hữu, là chỗ bạn bè, muốn tôi bán lại cho.”
 
Bầu Kiên dẫn chứng các văn bản pháp luật và đề nghị HĐXX tôn trọng các ý kiến của mình khi bị ngắt lời.
 
“Theo ý kiến cá nhân tôi, cơ quan điều tra đã không xem xét ý kiến của tôi về các thỏa thuận này.
 
Ông Kiên cho biết, khi thỏa thuận việc mua bán với ông Long (về chủ trương, còn về giá giao cho Yến), không nói việc cổ phần này đã được thế chấp nhưng ông Long, ông Dương và nhiều người khác đều biết điều này.
 
Tòa hỏi lại, ông Long trả lời: Tôi không hề biết điều này.
 
Bầu Kiên phản bác: Anh Long nói thế không đúng, bởi vì cô Yến đã thông báo điều này cho các anh biết.
 
Yến là người liên hệ với tập đoàn Hòa Phát để tập đoàn này phát hành cổ phiếu và ký xác nhận với ACBS. 
 
Tòa hỏi Yến: có biết là ông Long đã biết số cổ phiếu này bị thế chấp không?
 
Yến: Không biết.
 
Ông Kiên: 9h sáng ngày hôm đó, tôi gọi Yến đến lập biên bản HĐQT và gọi các thành viên đến ký. Luật doanh nghiệp cho phép họp HĐQT bằng văn bản.
 
Về bản dự thảo hợp đồng, là do pháp chế của Hòa Phát viết, họ viết rất chính xác về quyền lợi và trách nhiệm các bên. Anh Dương – TGĐ ký giấy chứng nhận nên không thể nói là không biết việc đã thế chấp. Tôi và anh Dương là bạn bè, tôi không đổ trách nhiệm cho anh Dương mà cho rằng là trong quá trình thực hiện có sai sót gì đó. Chúng tôi rất thân thiết, không có gì là không nói cho nhau, nên anh Dương không thể không biết chuyện cổ phiếu đã bị thế chấp.
 
Sau khi ký hợp đồng, tôi đi nước ngoài về nhưng chưa nhận được bất kỳ ý kiến gì từ ACB. Hòa Phát chưa chuyển tiền như hợp đồng. Tôi yêu cầu cô Yến làm việc với ACB để thực hiện việc giải chấp.

Tôi khẳng đinh đã chỉ đạo Yến làm việc thường xuyên với ACB nhưng tôi không nhận được phản hồi nào từ ACB là không được giải chấp.
 
Yến: không đúng. Sau khi nhận được email của ACB, tôi đã báo cáo với ông Kiên. Ông ấy nói, cứ để anh xem.
 
Ông Kiên: Tôi không đàm phán hợp đồng với bất kỳ ai ở công ty TNHH thép Hòa Phát. Tôi không yêu cầu công ty này chuyển tiền. Việc chuyển tiền tại sao thực hiện được? Ngày 17, tôi và anh Long đi nước ngoài, anh Long đề nghị tôi chuẩn bị tiền cho người mua để người mua trả tiền cho Hòa Phát. Khi công ty này chuyển tiền thì tôi đang ở nước ngoài. Sau khi về nước, tôi được cô Yến báo cáo đã nhận được tiền từ công ty thép Hòa Phát. Lúc nó, tôi chưa biết ACB đã giải chấp hay chưa. 
 
Công ty thép Hòa phát không chuyển tiền cho cá nhân tôi. Tôi không chỉ đạo việc xử lý khoản tiền này. Trước khi tôi đi nước ngoài, cô Yến có báo cáo nhu cầu sử dụng vốn của công ty, tôi đã ký. Yến và Thanh không thể chi tiền khi không có ý kiến của tôi nhưng họ đã nhận được ý kiến của tôi trước khi nhận được tiền. Còn lúc chi tiền thì không có ý kiến của tôi. 
 
Tòa hỏi Yến về việc sử dụng số tiền. Yến khai có hỏi ý kiến Kiên và được chỉ đạo từng khoản cụ thể.
 
Bầu Kiên khẳng định ông không kinh doanh vàng
Tòa chuyển sang xét hỏi về hành vi kinh doanh trái phép của bầu Kiên

Ông Kiên khai, tại 6 công ty này, ông Kiên là đại diện pháp luật của 5 công ty, còn tại công ty Thiên Nam là chủ tịch HĐQT. Tại công ty B&B, là chủ tịch và người đại diện pháp luật.
 
“Chúng tôi kinh doanh theo đúng giấy phép của công ty, tức kinh doanh vàng và các hoạt động khác.”
 
Về ACBI, nội dung chi tiết của giấy phép kinh doanh, bầu Kiên không nhớ chính xác.
 
Tòa đọc phần cáo trạng về hành vi vi phạm của B&B và các công ty khác. Ông Kiên xác nhận các số liệu nhưng cho rằng đây là các khoản đầu tư góp vốn được công ty thực hiện đúng pháp luật chứ không phải là hành vi kinh doanh tài chính. Trong 6 công ty này, không công ty nào đăng ký kinh doanh tài chính. Giấy phép của Thiên Nam cho phép kinh doanh các mặt hàng mà nền kinh tế cho phép, ngoài các mặt hàng nhà nước yêu cầu phải có giấy phép.
 
“Cáo trạng ghi sai, không đúng bản chất hoạt động của công ty và quy định của pháp luật.” - Bầu Kiên khẳng định và dẫn các quy định cụ thể tại từng văn bản pháp luật cho thấy cáo trạng đã ghi sai như thế nào một cách rõ ràng và rành mạch.
 
Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng. Công ty có 2 hợp đồng là nhận chuyển giao trạng thái giá vàng từ NH và hợp đồng 2 là nhận ủy thác đầu tư từ ACB. Trong 2 hợp đồng này không có dòng nào ghi là kinh doanh vàng. Bầu Kiên tiếp tục dẫn các quy định của pháp luật Việt Nam và điều lệ của NH ACB về kinh doanh vàng để dẫn chứng cho lập luận của mình.
 
“Tôi không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái mà đầu tư vào giá vàng – một sản phẩm tài chính phái sinh mà ACB đã ghi rõ trong hợp đồng”.
Bầu Kiên tiếp tục trả lời tòa:
 
Tôi thừa nhận số liệu chứ không thừa nhận bản chất sự việc như cáo trạng viết. HĐXX cần có 1 phiếu lệnh trên mặt bàn để biết nội dung của phiếu lệnh đó nó như thế nào. Trong phiếu lệnh không có từ nào nói về lệnh mua hay bán vàng.
 
Trước 2012, vàng không phải loại hàng phải đăng ký kinh doanh mà là một loại hình đầu tư tài chính. Năm 2012, nhà nước mới có thông tư mới quy định việc kinh doanh vàng phải có giấy phép. Đầu tư trạng thái giá vàng không gọi là kinh doanh vàng.
 
11h00, tòa tạm nghỉ, 14h chiều tiếp tục
Hải Minh
Theo Trí Thức Trẻ 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật