Đại diện Hội Luật gia VN nói rằng: “Chúng ta có thể kiện lên Tòa án Quốc tế việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Việt Nam”
Tại cuộc họp báo của Hội Luật gia VN chiều 9/5, ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội đã lên tiếng phản đối hành động đưa giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Lê Minh Tâm nhấn mạnh, việc làm của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên.
Theo quy định tại Công ước, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của PV về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, luật sư Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, Việt Nam có thể đưa vấn đề này đến cơ quan tài phán quốc tế.
Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu công vụ Việt Nam
Ông nhắc lại, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói Việt Nam sẵn sàng áp dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Một trong những biện pháp đó, không thể không sử dụng đến cơ quan tài phán.
Trong lúc này, chúng ta có thể kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào Việt Nam, vi phạm Công ước về luật biển 1982.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng, hiện nay thế mạnh của Việt Nam là lẽ phải và pháp lý, chúng ta phải khai thác điều đó cho lợi ích của mình”, ông Trục nói.
“Để giải quyết vấn đề biển Đông hiện nay, chắc không chỉ cần Công ước Luật biển, mà cần nhiều căn cứ pháp lý khác. Chúng tôi tham gia rất tích cực. Thế mạnh nhất của Hội Luật gia là phân tích, lý giải các vấn đề pháp lý. Tôi nghĩ chúng ta cần những ý kiến về vấn đề này. Chúng ta cũng cần sự tham mưu, tư vấn của nhiều tổ chức khác nữa”, ông Lê Minh Tâm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia VN.
|
Theo luật sự Trục, chúng ta không nên sốt ruột, bởi việc này không thể nói là làm ngay. Kiện lên cơ quan tài phán có cả một quá trình với các thủ tục của nó.
Ông phân tích, dù Việt Nam có đủ chứng cứ cần thiết, nhưng muốn làm việc này phải chuẩn bị chu đáo, đã làm phải nắm được phần thắng, đề phòng tất cả khả năng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, để làm hồ sơ kiện đòi hỏi có tính toán kỹ lượng, có lực lượng chuyên môn về luật pháp, tính tương quan lực lượng... để khi nộp hồ sơ lên chắc thắng. Đó là điều phải thông cảm chia sẻ với những người có chức năng, không phải nói là làm ngay được.
Với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, ông Trục cho rằng nếu đưa vụ kiện lên trọng tài quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng lợi. Vì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở để kiện. Nếu làm đúng thủ tục, Việt Nam có nhiều thuận lợi để thu đươc thành công.
Ông Trần Công Trục dẫn chứng lại, Philipines đã làm điều này. Họ đã có hồ sơ rất đầy đủ kiện lên Hội đồng trọng tài về Luật Biển quốc tế. Hội đồng đã được thành lập với 5 thành viên, đang thụ lý hồ sơ. Việc làm trên đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng nhận định, mục đích chính của Trung Quốc trong vụ giàn khoan chính là thăm dò dư luận, “nắn gân” các nước lớn trên thế giới và trong khu vực xem thái độ ra sao.
Ông nói: “Có thể Trung Quốc đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không loại trừ khả năng xâm phạm biển đảo của Việt Nam”.
Nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, chúng ta phải đấu tranh để phía Trung Quốc rút giàn khoan về nước. Cụ thể, đấu tranh bằng hình thức đàm phán với Trung Quốc, vận động sự ủng hộ của các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, các nước ASEAN...
“Nếu cần thiết, đưa vấn đề này ra Liên hiệp quốc. Hoặc không loại trừ khả năng phải kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế”.
Đức Nguyễn
|