Cập nhật lúc: 12/2/2013 3:43:35 PM

Ông Dương Chí Dũng bỏ túi 10 tỷ đồng trong thương vụ khủng

Ụ nổi 43 năm tuổi có giá thực tế hơn 2 triệu USD nhưng ông Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT Vinalines) vẫn đồng ý mua với giá gấp gần 10 lần, bỏ túi hơn 10 tỷ đồng do bên môi giới "lại quả". Việc làm của ông Dũng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 300 tỷ đồng. 


Đầu năm 2006, với chủ trương mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sửa chữa tàu biển, Vinalines triển khai xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Ngày 27/6/2007, Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng phê duyệt mức đầu tư nhà máy hơn 3.850 tỷ đồng sau nâng thành gần 6.500 tỷ đồng, trong đó có mua, lắp đặt một ụ nổi (tàu biển) để phục vụ sửa chữa tàu.

Sau chuyến khảo sát tại Nga vào một tháng sau đó, đoàn của Vinalines và Cục đăng kiểm đã chọn ụ nổi 83M. Theo cơ quan điều tra, người của Vinalines trong Đoàn khảo sát biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, hư hỏng nhiều, không còn khả năng hoạt động và đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga dừng hoạt động từ năm 2006, giá chào bán dưới 5 triệu USD. Dương Chí Dũng được cấp dưới báo cáo việc này song vẫn chỉ đạo mua, chủ trương lập biên bản giám định không đúng sự thật về tình trạng của ụ nổi hàng chục năm tuổi này, bỏ đi các thông tin về "tình trạng xấu".

Ngày 8/10/2007, ông Dũng ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi với giá hơn 14,1 triệu USD, phương thức mua sửa chữa tại Nga và lai dắt về Việt Nam. 4 tháng sau, ông Dũng chuyển sang phương án vận chuyển ụ nổi bằng tàu nâng nặng, tự tổ chức sửa chữa ở Việt Nam. Do vậy, mức đầu tư được điều chỉnh lên thành 19,5 triệu USD, trong đó giá mua là 9 triệu USD qua công ty AP. Thực tế, AP chỉ là công ty môi giới, chủ sở hữu bán ụ nổi với giá chỉ hơn 2 triệu USD.

Theo cơ quan điều tra, ụ nổi 83M han rỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn được thông quan.
Ngày 15/3/2008, Mai Văn Phúc (Tổng giám đốc) đại diện Vinalines ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với Công ty Addpower Ventures Singapore (AP). Ba tháng sau, ụ nổi từ Nga được đưa về Việt Nam. Thời điểm này, ụ nổi đã có "thâm niên" 43 năm, trong khi theo quy định thì không được "quá 15 tuổi tính từ năm sản xuất tới năm nhập khẩu".

Tại thời điểm công an kiểm tra, ngày 17/5/2012, tổng tiền Vinalines đổ vào ụ nổi (cả mua bán, và sửa chữa, bảo quản...) hơn 525 tỷ đồng, tương đương hơn 24 triệu USD, trong khi chưa đưa vào sử dụng.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, ông Dũng ký phê duyệt dự án nhà máy khi chưa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam là "trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng". Đặc biệt, việc phê duyệt, mua ụ nổi không đúng trình tự, vi phạm Luật Đầu tư.

Do hàng loạt sai phạm, hiện dự án nhà máy phải bỏ dở giữa chừng, ụ nổi 83M không thể đưa vào khai thác. "Ụ nổi hiện nay là đống sắt thép rỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng", kết luận điều tra xác định. Bộ Giao thông vận tải chủ trương bán thanh lý nhưng hiện không có đối tác hỏi mua.

Cơ quan giám định kết luận, sai phạm trong việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng. Hiện, Vinalines vẫn tiếp tục phải trả lãi ngân hàng, tính tiền vay mua ụ, phí thuê neo đậu, chi phí bảo quản, trực sự cố... nên số tiền thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng.

Trách nhiệm trong việc này thuộc về ông Dũng, ông Phúc, Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án, trưởng đoàn khảo sát), Trần Hải Sơn (Phó trưởng ban quản lý, thành viên đoàn khảo sát), Mai Văn Khang (Ban quản lý dự án), Bùi Thị Bích Loan (Trưởng ban Tài chính kế toán, kế toán trưởng), Lê Văn Dương (Cục Đăng kiểm Việt Nam). Huỳnh Hữu Đức (Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Ngọc Triện (Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng (Chi cục Hải quan Vân Phong).

10 người này bị đề nghị truy tố tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Nhóm cán bộ Hải quan cửa khẩu Vân Phong bị xác định không thực hiện đúng chức trách, giúp Vinalines nhập khẩu ụ nổi trái quy định.

Trong thương vụ mua bán này, ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều còn chia nhau 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) - khoản "hoa hồng" lấy từ nguồn 9 triệu USD được Công ty AP chuyển lại theo thỏa thuận riêng với 4 người này. Theo cơ quan điều tra, ông Dũng, Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng; Sơn hơn 5,8 tỷ đồng; Chiều nhận 340 triệu đồng. Với hành vi này, 4 nghi can bị xác định có căn cứ phạm tội Tham ô tài sản.

Cơ quan điều tra cho biết đã kê biên 2 căn hộ chung cư cao cấp vào bậc nhất Hà Nội tại tòa nhà Pacific và Skycity do ông Dũng mua cho người phụ nữ đã có con riêng với ông. Nhà ông Dũng ở cùng vợ con tại phố Nguyên Hồng (Hà Nội) cũng bị kê biên.

Ngày 14/10, kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố ông Dũng và 9 đồng phạm đã được ký ban hành. Theo yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương, vụ án được xếp vào danh sách 10 vụ tham nhũng nghiêm trọng này sẽ phải sớm đưa ra xét xử.

Mai Chi - Xuân Hoa 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật