Ngày 24/5/2014, phiên tòa xét xử bầu Kiên bước sang ngày thứ 5, tiếp tục với phần xét hỏi.
Tòa tập trung vào mục đích làm rõ việc nguồn vốn để KienLong Bank và VietBank mua trái phiếu ACBS và ACBI phát hành có phải do ACB cấp hay không?
8h00:
QUAN HỆ CỦA KIENLONGBANK VÀ ACB LÀ ĐỐI TÁC
Đại diện KienLongBank:
KienLongBank và ACB là mối quan hệ về đối tác, việc thường xuyên giao dịch với nhau. Đây là hoạt động hàng ngày, bình thường của các NH.
Năm 2010, KienLongBank phát hành cổ phiếu tăng VĐL thì có thêm các cổ đông thuộc ACB như ông Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Quang, Trịnh Kim Cang. Ông Nguyễn Đức Kiên không phải là cổ đông của KienLongBank.
KienLongBank không cho ACBS vay. Việc ACBS phát hành trái phiếu thì là do nhu cầu vốn của họ. Sau 8 hợp đồng, KienLongBank đã mua 1.500 tỷ trái phiếu của ACBS. Lãi suất coupon là 12%/năm, thay đổi 3 tháng/lần.
Đại diện VietBank:
Khi ACBS phát hành trái phiếu, không nhớ VietBank mua bao nhiêu. Việc ACB có hỗ trợ VietBank mua trái phiếu hay không, tôi không rõ.
Tòa dẫn lại lời khai của các ông:
Ông Hưng – phó chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VietBank, đại diện cho 10% vốn góp của ACB tại VietBank khai có trao đổi với ông Lý Xuân Hải và một số lãnh đạo của ACB là khi ACBS phát hành trái phiếu, VietBank mua. Nếu không có đủ vốn thì ACB sẽ hỗ trợ.
Ông Việt – phó phòng nguồn vốn VietBank: nếu không có tiền ACB chuyển đến thì VietBank không thể mua trái phiếu của ACBS được.
Đại diện của ACBS, phó TGĐ của ACB:
Nghị quyết của ACBS hợp tác với ACI và ACI-Hà Nội mua cổ phiếu ACB, tôi là người ký sau cùng. Tháng 11/2009, tôi là trợ lý của anh Kiên.
Kế toán trưởng của ACI- Hà Nội:
Việc phát hành trái phiếu để mua cổ phiếu của ACB, nhận được chỉ thị của hội đồng thành viên, tôi chuẩn bị hồ sơ và bàn giao cho giám đốc.
TIỀN MUA CỔ PHIẾU THÉP HÒA PHÁT ĐÃ ĐƯỢC NHẬN LẠI TỪ CQĐT
Đại diện của công ty TNHH Thép Hòa Phát:
264 tỷ để mua 20 triệu cổ phiếu thép Hòa Phát đã được nhận lại từ cơ quan điều tra.
BẦU KIÊN YÊU CẦU TRẢ LẠI HỒ SƠ, TÀI LIỆU KHÔNG LIÊN QUAN
Bầu Kiên:
Trong cáo trạng có nói CQĐT yêu cầu ACB phong tỏa tài sản của tôi và gia đình tại ACB thì đó là trái pháp luật. (Tòa ngắt lời) Tôi được biết CQĐT đã thu giữ rất nhiều tài liệu ở nhà tôi nhưng không đưa vào hồ sơ điều tra vì không phải là tài liệu liên quan. Tôi yêu cầu trả lại cho tôi.
9H00: Chuyển sang phần Luật sư hỏi những người tham vấn về tội cố ý làm trái
ĐẠI DIỆN NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TỪ CHỐI TRẢ LỜI VỀ HOẠT ĐỘNG GỬI TIỀN, PHÂN BIỆT TÀI KHOẢN
Đại diện NHNN trả lời về các hoạt động của ngân hàng theo Luật TCTD bổ sung 2004 và Luật TCTD 2010.
Luật sư hỏi: việc người dân đi gửi tiền có phải là hoạt động của NH không? Và có phải người dân phải được phép của NHNN mới được đi gửi tiền không?
Đại diện NHNN: về khái niệm này tôi xin không trả lời, tôi không nhớ. Tôi không thuộc bộ phận quản lý lĩnh vực này.
LS: về hoạt động ủy thác, việc NH ủy thác cho cá nhân đem tiền gửi NH khác, từ 2002 đến bây giờ khi Luật TCTD 2010 có hiệu lực, thì NHNN có luật khác nào quy định không?
NHNN: Hôm qua đại diện NHNN đã trả lời rồi, tôi xin phép không trả lời.
LS: việc người dân đi mở tài khoản, đem tiền đến nộp NH thì có liên quan đến hoạt động NH không?
NHNN: tôi xin phép không trả lời.
LS: QĐ 742 và Thông tư 04 (2012) có điều chỉnh quan hệ NH ủy thác cho người dân đi gửi tiền vào NH khác không?
NHNN: Điều này cũng trả lời rồi (cầm văn bản đọc lại QĐ 742). Trong quy định như thế nào thì cứ thế mà theo thôi.
LS: việc mở tài khoản và sử dụng tài khoản, có bao nhiêu loại tài khoản, có gì khác nhau không?
NHNN: tôi không nhớ hết.
(Tất cả các câu hỏi của LS về sự phân biệt các loại tài khoản đều bị từ chối trả lời)
LS: trách nhiệm quản lý tài khoản và trách nhiệm quản lý tài sản khác nhau như thế nào, NHNN có nắm được không? Có quy định là người dân quản lý tài sản (tiền) đã gửi vào NH không?
NHNN: tôi chưa trả lời được, sẽ về hỏi rồi trả lời sau.
LUẬT SƯ ĐƯA RA NHIỀU CÂU HỎI VỀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA VIETINBANK
Luật sư hỏi Đại diện Vietinbank:
LS: theo quy định của pháp luật về quản lý tài khoản, người dân khi gửi tiền vào NH có nghĩa vụ quản lý tài khoản nhưng có nghĩa vụ quản lý tài sản không?
Vietinbank: Đối với tài khoản thì ai cũng hiểu là chủ tài khoản có nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý. Câu hỏi của LS không rõ vì phải xác định rõ tiền đó thuộc trách nhiệm quản lý của ai. Nói về số dư trên tk của KH là tk thanh toán theo QĐ 1284 thì chủ tk là người toàn quyền quyết định số dư này.
LS: tôi không hỏi tài khoản mà hỏi tài sản.
Vietinbank: Số dư tài khoản thanh toán của KH vừa là tiền vừa là tài sản của KH.
LS: tôi hỏi về nguyên tắc chung.
Vietinbank: Tôi không trả lời theo nguyên tắc vì đây là vụ cụ thể, phải làm rõ cái cụ thể. Tôi phải lưu ý là LS tránh hỏi quá ngoài phạm vi của vụ án, phải hỏi cụ thể, đừng đưa các khái niệm rộng quá ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân. Câu trả lời của tôi lặp lại như cũ, đó là trách nhiệm quản lý số dư tk của KH ở tk thanh toán là thuộc về chủ tk.
LS: khi nhân viên của Vietinbank làm giả chứng từ để rút tiền thì có được coi là hành vi người chủ tk sử dụng dịch vụ thanh toán không, hay là nhân viên của NH sử dụng tk của KH?
Vietinbank: câu này ý của LS muốn hỏi về thủ đoạn liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như. Những gì liên quan đến vụ án khác thì không đưa vào vụ án này.
LS: Đây là những gì Huyền Như đã khai hôm qua trong vụ án này.
Vietinbank: Đối với Vietinbank, mọi cái đều được coi là NH cung cấp dịch vụ.
LS: Vietinbank có trả lãi suất vượt trần không?
Vietinbank: Vietinbank không bao giờ làm trái pháp luật về lãi suất vượt trần cả.
LS: Các thẻ tiết kiệm được sử dụng trong vụ án này là thẻ tiết kiệm thật hay giả? Cái phôi, dấu, chữ ký có phải của Vietinbank không?
Vietinbank: Thẻ tiết kiệm không thể là giả.
Huyền Như: về hình thức thì đó là thẻ thật. Tôi đã khai với CQĐT về các quy trình, bước thực hiện hành vi của mình thì đã xác định được toàn bộ hồ sơ cái nào giả, cái nào thật. Tôi không trả lời câu hỏi này của LS.
LS: các hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn do 2 giám đốc ký là hợp đồng nguyên tắc hay hợp đồng thực tế để thực hiện? Vì hợp đồng ghi rõ bên Vietinbank có thể trích ra các thẻ tiết kiệm có thời hạn khác nhau. Đề nghị anh đưa ra hợp đồng đó, chỉ cần có chữ “tiết kiệm” là được. Vietinbank có được mở thẻ tiết kiệm tự động không?
Vietinbank: câu này hỏi tương tự như hỏi với NHNN, có sự nhầm lẫn. tk thanh toán và tk tiết kiệm là khác nhau, HĐ tiền gửi với cá nhân chỉ có tính nguyên tắc… Vietinbank có được mở thẻ tiết kiệm tự động.
LS: đề nghị chứng minh.
Vietinbank: tôi không chứng mình vì hồ sơ có rồi.
LS: trong hồ sơ, trong hợp đồng không có điều đó.
Vietinbank: LS có thể nghiên cứu lại cho kỹ hơn. LS đừng nhầm lẫn. Về mặt ngữ nghĩa, người dân đến gửi tiền tức là gửi tiết kiệm.
YÊU CẦU VIETINBANK TRẢ LỜI, NẾU KHÔNG TRẢ LỜI ĐƯỢC THÌ NÓI KHÔNG TRẢ LỜI
Tòa yêu cầu Vietinbank trả lời cho HĐXX, những câu hỏi nào Vietinbank không trả lời được thì nói không trả lời, giữa LS và Vietinbank không đối đáp căng thẳng như vậy. Tòa yêu cầu LS hỏi câu hỏi khác.
LS: Vietinbank có nhận được bất cứ lệnh nào của chủ tk để chuyển tiền sang tk khác không?
Vietinbank: theo hồ sơ thì huyền NHư đã đánh tráo chữ ký ngay từ đầu…
Tòa ngắt lời LS, yêu cầu chuyển câu hỏi khác, vì hôm qua đã hỏi rồi.
LS: Tôi hỏi trách nhiệm của Vietinbank chứ không hỏi về Huyền Như.
Vietinbank: Hôm qua tôi cũng trả lời về trách nhiệm của NH rồi.
Trước tất cả các câu hỏi của LS, Huyền Như khẳng định lại những lời khai hôm qua.
“Tôi phản đối việc LS chia những câu trả lời của tôi ra thành nhiều ý rồi gộp lại thành ý. Tôi không nhớ được những gì thực hiện trước và sau, không thể trả lời chắc chắn nếu chia ra như vậy. Tất cả những gì tôi đã khai đều là đúng.”
HĐXX: Huyền như có quyền nói không nhớ, không trả lời.
Sau đó, Huyền Như đều nói không nhớ, không trả lời.
LS hỏi đại diện Vietinbank:
LS: khi một chủ tài khoản có lệnh chi chuyển tiền, Vietinbank có trách nhiệm như thế nào?
Vietinbank: làm đúng chức năng trung gian
LS: khi một người không phải chủ tk hợp pháp, làm chữ ký giả và con dấu giả để rút tiền thì trách nhiệm của Vietinbank như thế nào?
Vietinbank: đã nói là ai làm giả thì người ấy chịu trách nhiệm.
LS: trách nhiệm dân sự của Vietinbank đối với chủ tk?
Vietinbank: đã trả lời theo luật.
LS: Như vậy là Vietinbank không dám trả lời?
Vietinbank: Vietinbank luôn làm theo pháp luật nên không có gì không dám trả lời.
LÝ XUÂN HẢI KHẲNG ĐỊNH TIỀN GỬI VÀO VIETINBANK LÀ TIỀN TIẾT KIỆM, ĐÃ VÀO HỆ THỐNG VIETINBANK
Luật sư chuyển sang hỏi Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB
LS: ý tưởng chuyển tiền nếu không được HĐQT thông qua thì có thực hiện được không?
Lý Xuân Hải: không
LS: khi NHNN chưa có văn bản điều chỉnh thì việc thực hiện theo văn bản cũ có đúng pháp luật không?
Lý Xuân Hải: đúng
LS: có khi nào cơ quan Thanh tra NHNN hoặc bộ quản lý nào kiểm tra và xác định đây là hành vi phạm luật không? Bị phạt hành chính không?
Lý Xuân Hải: không
LS: trong ban TGĐ, có sự phân công công việc, có phó TGĐ phụ trách, ông là người phụ trách chung?
Lý Xuân Hải: đúng
LS: khi ông Hòa đi gửi tiền, báo với phó TGĐ trực tiếp hay báo cho ông?
Lý Xuân Hải: báo với phó TGĐ trực tiếp, cũng có thể báo với tôi.
LS: 718 tỷ gửi vào Vietinbank là tiền gửi hay tiết kiệm?
Lý Xuân Hải: sau khi vụ Huyền Như xảy ra thì tôi biết là tiền gửi tiết kiệm. Trước tiên tôi đến gặp Vietinbank, họ yêu cầu tôi đến gặp cơ quan điều tra. Chúng tôi đề nghị những nhân viên đã gửi tiền vào Vietinbank đi kiện lên TAND.
LS: sau khi các cá nhân gửi tiền vào Vietinbank, số tiền đó đã chuyển vào Vietinbank chưa?
Lý Xuân Hải: tôi đã xem chứng từ, chuyển rồi.
LS: ông cho biết giữa KienLongbank và Vietbank, các quá trình vay liên ngân hàng có quy định riêng không hay theo quy định chung?
Lý Xuân Hải: quy định chung
LS: trước khi ký, ông có biết khoản cho vay này được sử dụng mục đích gì không?
Lý Xuân Hải: chúng tôi chỉ đánh giá năng lực tài chính của khách hàng, không can dự việc họ sử dụng làm gì. Tổ chức nhận tiền không bao giờ quy định khoản tiền huy động nào được sử dụng vào mục đích gì. Khi các NH này vay của ACB, họ muốn sử dụng như thế nào là quyền của họ.
CHỈ CẦN KIỂM TRA HỆ THỐNG CỦA NHNN LÀ THẤY NGAY CÁC LỆNH CHUYỂN TIỀN TỪ ACB SANG VIETINBANK
Sau giờ nghỉ giải lao, HĐXX hỏi ông Kiên:
“Tôi đã được anh Hải báo cáo việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền vào NH khác. Khi TGĐ đã báo cáo HĐQT và HĐQT đã có ý kiến thì TGĐ được toàn quyền thực hiện. Khi các khoản tiền của 32 hợp đồng ký với Vietinbank CN HCM, thông thường các khoản này chuyển từ tài khoản của các nhân viên mở tại ACB sang Vietinbank thông qua hệ thống công nghệ thông tin liên ngân hàng. Giờ kiểm tra hệ thống của NHNN là thấy ngay những lệnh chuyển tiền này.
Nếu có các chuyên gia công nghệ thông tin thì hoàn toàn có thể lấy được dữ liệu từ hệ thống của Vietinbank và hệ thống thanh toán bù trừ của NHNN.”
Đại diện Vietinbank trả lời các câu hỏi của HĐXX:
Trước khi ông Hoàng và bà Hương – Phó giám đốc của Vietinbank CN HCM ký 32 hợp đồng, có trao đổi với Huyền Như. Việc ông bà này ký hợp đồng với các cá nhân là hoạt động bình thường của Vietinbank. 32 hợp đồng này, NH không biết các dấu hiệu mờ ám nên là bình thường về mặt hình thức, không biết được là các nhân viên ACB lại được hưởng tiền chênh lệch từ tiền túi của Huyền Như. Như vậy các nhân viên này đã tự thực hiện các hợp đồng sai quy định.
Luật sư hỏi, người huy động là Huyền Như, tại sao có chữ ký của phó Giám đốc? Ông này trả lời, vì có sự phân cấp, Huyền Như không có quyền ký các hợp đồng này.
LS: theo như ông, sau khi ký 32 hợp đồng, về phía Vietinbank đã nhận được tiền chuyển vào tk cá nhân chưa?
Vietinbank: đã thể hiện trên các tk của cá nhân là nhân viên ACB.
LS: tôi đang cầm trên tay 32 bản sao kê tk các cá nhân này. Các bản này có phải do Vietinbank phát hành không?
Vietinbank: LS hãy tự kiểm tra tài liệu trên tay mình.
LS: đây đúng là do Vietinbank phát hành.
Vietinbank: LS hỏi bóc tách và cố tình hỏi sang một hướng khác. Toàn bộ quá trình vi phạm của Huyền Như đã được CQĐT điều tra rất kỹ, xin không nói lại.
Theo đại diện này, tất cả các câu hỏi của LS đều liên quan đến cách thức chiếm đoạt tiền của Huyền Như và thuộc về vụ án khác, Vietinbank sẽ không trả lời nữa.
LS: tôi cho rằng những câu hỏi liên quan đến vụ án mà đại diện này tiếp tục không trả lời thì xin mời đại diện khác.
Tòa yêu cầu LS đặt những câu hỏi chuẩn hơn. LS hỏi Huyền Như, Như tiếp tục trả lời rằng đã trả lời rồi, không nói lại.
10h45, chuyển sang phần các Luật sư hỏi đại diện công ty TNHH MTV thép Hòa Phát, CTCP Thép Hòa Phát (ông Trần Đình Long, ông Trần Tuấn Dương), bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến để tiếp tục làm rõ tội danh lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng từ Hòa Phát.
Bị cáo Thanh khẳng định không có chuyện ăn chia gì ở đây.
Các bị cáo trả lời như trong các phiên tòa trước.
11h15, tòa nghỉ. Sáng thứ hai 26/5 sẽ tiếp tục.
(Tòa mở phiên tòa xét xở sơ thẩm bầu Kiên và 8 đồng phạm trở lại sau khi tạm hoãn ngày 16/4. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/6. Tòa án quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá do bệnh nặng và đang rất yếu)
9 bị cáo bị xét xử gồm:
- Ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư, nguyên phó chủ tịch HĐQT, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị xét xử về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
- 6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cùng với Nguyễn Đức Kiên gồm:
+Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB)
+ Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+ Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+ Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên TGĐ Ngân hàng ACB)
+ Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB)
- 2 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:
+ Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
+ Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội ).
|
Hải Minh - N.Hằng