|
Tàu Trung Quốc (trái) phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam gần khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: AP.
|
Trong bài viết có tiêu đề "Việt Nam nỗ lực ngăn Trung Quốc triển khai giàn khoan", hãng tin AP nhận định động thái đặt giàn khoan ở khu vực trên thềm lục địa Việt Nam cuối tuần trước là một trong những bước đi khiêu khích nhất của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền ở biển Đông.
Diễn biến này, cùng sự lớn mạnh về quân sự và kinh tế của Bắc Kinh, khiến những quốc gia trong khu vực đang có tranh chấp với Trung Quốc như Philippines lo lắng. Mỹ hôm qua lên án các hành động của Trung Quốc. Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, gọi hành động của Trung Quốc là "khiêu khích và không giúp gì trong duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực".
Tờ New York Times bình luận tranh chấp ở khu vực biển Đông không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, việc sức mạnh quân sự Trung Quốc ngày càng tăng trong thời gian qua đã làm xuất hiện sự lo ngại trong khu vực.
Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer nói với hãng tin AFP rằng quyết định đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam là một thay đổi lớn trong chiến thuật của Trung Quốc. Ông Thayer cho biết thêm đây có thể là phản ứng của Bắc Kinh với chuyến thăm châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến thăm, Mỹ khẳng định sẽ ủng hộ Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
Reuters nhận định căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực cải thiện quan hệ, bỏ qua một số vấn đề trong quá khứ. Hãng tin dẫn lời một quan chức trong ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc, đăng tải trong bài viết có tựa đề "Việt Nam và Trung Quốc đối đầu trên biển Đông", nói rằng việc triển khai giàn khoan của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tới vùng biển gần Việt Nam dường như mang tính chính trị nhiều hơn là thương mại.
"Động thái này phản ánh ý chí của chính phủ trung ương và còn có liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á", quan chức giấu tên nói. "Nó không phải vì mục đích thương mại. Dường như ít có khả năng CNOOC đã chuẩn bị kế hoạch thăm dò lớn ở khu vực này".
The Economist đưa bài viết với tiêu đề "Không phải khoan dầu bình thường", Báo này phân tích tuyên bố vô lý của Trung Quốc, rằng giàn khoan đang hoạt động ở vùng nước của họ, rằng khu vực đặt giàn khoan thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974
Cơ sở của những tuyên bố của Trung Quốc là mơ hồ, cũng giống như bản đồ "đường chín đoạn". Chúng đều không có cơ sở luật pháp quốc tế và Trung Quốc cũng chưa bao giờ làm rõ những tuyên bố của mình.
BBC nhận xét đây là thời điểm căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng ở châu Á đạt mức cao nhất.
Theo Financial Times, căng thẳng trong khu vực biển Đông leo thang đáng kể sau khi Việt Nam thông báo tàu Trung Quốc cố ý đâm vào tàu Việt Nam trên thềm lục địa của Việt Nam.
"Trung Quốc dường như muốn thẳng thừng thò bàn chân của họ vào để bắt Hà Nội ngửa bài. Một bước ngoặt quan trọng đã diễn ra và chúng ta thấy rằng Hà Nội đang cân nhắc các lựa chọn của mình", chuyên gia về Việt Nam tại City University của Hong Kong, ông Jonathan London, nói. "Mọi chính sách của Trung Quốc, thứ rõ ràng là vô lý trong con mắt của bất cứ ai trừ chính họ, đã dẫn đến tình hình này".