Chỉ tiêu về đào tạo lao động và chỉ tiêu chất lượng pháp lý và bảo vệ hợp đồng có ảnh hưởng tích cực và mạnh nhất đến doanh thu của doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu thống kê của TS. Phạm Thế Anh và ông Nguyễn Đức Hùng, bất kỳ một sự cải thiện nào trong chất lượng môi trường kinh doanh đều có ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong số đó, chỉ tiêu về đào tạo lao động và chỉ tiêu chất lượng pháp lý và bảo vệ hợp đồng có ảnh hưởng tích cực và mạnh nhất đến doanh thu của doanh nghiệp.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu về doanh nghiệp chiết xuất từ bộ Điều tra doanh nghiệp (GES) thực hiện bởi Tổng cục Thống kê trong giai đoạn 2000 - 2012. Dữ liệu hàng năm cũng sẽ được phân tách cho giai đoạn trước và sau khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra vào năm 2008. Tác giả cho biết điều này cho phép so sánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và xem xét ảnh hưởng khác biệt của thể chế đến kết quả hoạt động kinh doanh cũng như năng suất của doanh nghiệp giữa 2 giai đoạn.
Dữ liệu về thể chế môi trường kinh doanh được khai thác từ bộ dữ liệu đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) kể từ năm 2006.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, xét theo ngành nghề kinh doanh, nếu lấy ngành nông, lâm và ngư nghiệp làm chuẩn so sánh thì ngành bán lẻ có mức doanh thu cao nhất, tiếp theo đó là ngành tài chính ngân hàng và ngành công nghiệp sản xuất, chế biến. Ngược lại, một doanh nghiệp sẽ có doanh thu thấp hơn nếu nó hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ, lưu trú và ăn uống, khai khoáng hay các ngành nghề khác.
Việc cải thiện chất lượng đào tạo lao động và hiệu quả pháp lý sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đáng kể, làm tăng doanh thu của doanh nghiệp thông qua việc làm tăng năng suất.
Bên cạnh đó, việc giảm thiểu chi phí phi chính thức (ví dụ như cải thiện thủ tục hành chính) và tăng cường tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin cho thị trường cũng có ảnh hưởng rất tích cực đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp. Một điểm tăng thêm chỉ số này có thể làm tăng doanh thu của doanh nghiệp lên khoảng 8 - 9%. Đây quả là một con số không hề nhỏ.
Tương tự, một điểm cải thiện chỉ tiêu gia nhập thị trường (phản ánh chi phí gia nhập thị trường) có thể làm doanh thu của doanh nghiệp thêm 6%.
Liên hệ kết quả này với những kết luận đưa ra của đợt công bố PCI năm 2013 vừa qua, có thể thấy rõ tầm quan trọng không thể phủ nhận của thể chế lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vấn đề là, chúng ta muốn thay đổi đến đâu, và có thể thay đổi đến đâu...
Ngọc Lan
Theo Trí Thức Trẻ