"Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần phải nêu rõ tên của những ngành, nghề bị cấm kinh doanh, sau đó ra văn bản dưới luật quy định cụ thể" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ QH ngày 21.4. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, nếu luật chỉ ghi cấm chung chung, quy định một cách lờ mờ, thì thành... “cấm hết, cấm chặt quá”.
Chưa rõ quy định về chống gian lận, lừa đảo
Báo cáo trước phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết, lý do phải sửa luật là do nhiều nội dung còn bất cập. Cụ thể, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), để khởi sự kinh doanh, các doanh nghiệp tại Việt Nam phải mất 10 thủ tục, 34 ngày.
Theo ông Đông, tiến độ góp vốn điều lệ kéo dài 3 năm không đạt mục tiêu, lại gây tác động không mong muốn, như nhầm lẫn vốn điều lệ, cản trở, gây khó khăn mở rộng kinh doanh của Cty cổ phần.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao việc sửa đổi luật sẽ khắc phục những cản trở trong thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH, giải quyết vấn đề gian lận, hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật như thế nào thì chưa được làm rõ.
“Các đồng chí xem có ngành nghề nào mà không có vấn đề đó không? Cái gì gây cản trở thì luật sửa đổi phải giải phóng, nhưng những vi phạm, gây phức tạp thì phải có cách xử lý” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chủ tịch đề nghị khi Luật DN này được ban hành, giới doanh nhân phải biết ngành nào theo luật nào, ngành nào không được làm. Còn quy định lờ mờ thế này rất sợ: Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đạo đức, thuần phong mỹ tục, hủy hoại môi trường... Thế thì thành cấm tuốt!
Giải trình trước Uỷ ban TVQH, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, việc cấm bằng luật pháp hiện nay có danh mục ở các văn bản khác nhau. Với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc liệt kê luật hóa sẽ khó, vì nhiều loại hình mới xuất hiện và biến động theo thời gian. Hiện Bộ KHĐT đã có thống kê và sắp tới sẽ rà soát lại để thanh lọc.
Ông Đông cũng khẳng định, luật sửa đổi đã bổ sung nội dung công khai, minh bạch thông tin để kiểm soát gian lận giữa cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, các DN phải kiểm soát lẫn nhau.
Ngoài ra, luật yêu cầu DN tự đăng ký kinh doanh phải tự chịu trách nhiệm thông tin về vốn, quản trị DN, nhân thân... DN đã khai vào đó là phải chịu trách nhiệm với các đối tác và xã hội. Sau này DN khai 100 tỉ đồng vốn điều lệ, DN sẽ phải có trách nhiệm với xã hội và đối tác là 100 tỉ đồng. Nếu không có mà khai khống là gian lận, trục lợi!
Phải giúp DN Việt... đừng thua trên sân nhà
Uỷ ban Kinh tế của QH cũng đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập DN, bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm để bảo đảm DN đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động, các thông tin trong giấy đăng ký kinh doanh vẫn đúng thực tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng đánh giá cao hồ sơ trình của Chính phủ về lý do cần sửa Luật DN. Song ông cho rằng, tờ trình chưa phân tích rõ vì sao những DN hoạt động không hiệu quả, không trụ nổi trong khủng hoảng kinh tế vừa qua, lại chính là DN trong nước, với hơn 50.000 phá sản, dừng hoạt động trong năm 2013.
“Chúng ta nêu ra vấn đề lý thuyết, bình đẳng, nhưng thực tế cuộc cạnh tranh thương trường sử dụng nguồn lực trong nước lại không hiệu quả” - ông Phan Xuân Dũng nêu.
Ông đề nghị nên có điều khoản bổ sung, tạo điều kiện tối đa để DN Việt... “đừng thua trên sân nhà”. “Ta cứ tạo điều kiện cho DN nước ngoài để thu hút đầu tư, trong khi lại không chú trọng DN trong nước. Chỉ khi tạo được điều kiện thu hút nguồn nhân lực, công nghệ, lúc đó tiền DN tạo ra mới đọng lại trên đất nước VN”.
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của QH, đa số ý kiến cho rằng không nên có chương riêng quy định về DNNN. Lý do là vì số lượng, tỉ trọng DNNN sẽ giảm dần, theo chủ trương chung về tái cơ cấu DNNN. Bên cạnh đó, việc thành lập, tổ chức và hoạt động DNNN cũng phải tuân thủ như tất cả các DN khác. Về nguyên tắc, Luật DN chỉ quy định về loại hình pháp lý của DN, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Việc bổ sung một chương về DNNN có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật DN”.