Với những lần nhận lót tay hậu hĩnh, Giám đốc ngân hàng VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông bị cáo buộc đã giúp sức cho một số nữ giám đốc doanh nghiệp chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng.
Vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lắk - Đắk Nông) và các ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Nam Á, sắp đưa ra xét xử. Đây được xem là một trong 10 "đại án" mà Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương đặc biệt quan tâm.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Nhật có trụ sở chính tại huyện Cư Jút, Đắk Nông, thành lập từ năm 2004 đã qua 8 lần thay đổi đăng ký kinh doanh và 11 lần tăng vốn điều lệ từ 3 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng. Bà Cao Bạch Mai (64 tuổi) giữ 90% vốn góp với 22,5 tỷ đồng, làm giám đốc công ty, còn lại Bùi Minh Khánh góp 10% vốn. Tuy danh nghĩa 2 thành viên góp vốn nhưng thực chất, mọi hoạt động và nguồn tài chính của Công ty Minh Nhật đều do bà Mai lo liệu và quyết định.
Từ khi thành lập đến 10/2008, Công ty Minh Nhật chủ yếu thu mua, sơ chế, kinh doanh mủ cao su nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Cuối năm 2008, khi biết nhà nước có chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu lãi suất thấp với các mặt hàng nông sản cà phê, sắn lát, nhân hạt điều..., bà Mai gặp Vũ Việt Hùng (Giám đốc chi nhánh VDB khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông) đặt vấn đề vay vốn tín dụng xuất khẩu.
Giám đốc Hùng chỉ đạo Cao Văn Hải (Trưởng phòng Tài chính kế toán) làm thủ tục. Để đủ điều kiện pháp lý cho vay. Hải sửa báo cáo tài chính Công ty Minh Nhật từ 2 năm kinh doanh lỗ thành kinh doanh lãi, sau đó chuyển hồ sơ lên Phòng Tín dụng xuất khẩu.
Giám đốc Hùng chỉ đạo cho Trần Xuân Lộc (Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu) cùng các cán bộ chuyên môn ngân hàng làm thủ tục cho Công ty Minh Nhật vay hai hợp đồng tín dụng xuất khẩu ban đầu 10 tỷ đồng.
Đến tháng 12/2008, Công ty Minh Nhật đã vay được 8 hợp đồng tín dụng xuất khẩu, số tiền 80 tỷ đồng. Không kiểm tra việc sử dụng vốn vay của Công ty Minh Nhật có đúng mục đích không nhưng các cán bộ VDB vẫn tiếp tục giải quyết hồ sơ cho Công ty Minh Nhật vay tiếp hàng chục hợp đồng tín dụng xuất khẩu trong tháng 2 và 3/2009, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Số tiền vay này bà Mai sử dụng trả nợ đến hạn 130 tỷ đồng, trả tiền lãi hơn 3,7 tỷ đồng, và sử dụng mục đích cá nhân khác hơn 46 tỷ đồng.
Bà Mai khai đưa tiền phần trăm theo thỏa thuận cho giám đốc Hùng nên đã được sếp ngân hàng này ký cho vay như điên, tuy nhiên không chứng minh được việc sử dụng tiền cụ thể.
Cuối tháng 3/2009, bà Mai tiếp tục gặp giám đốc Hùng xin vay thêm vốn. Vì bà chị chơi đẹp nên Hùng đồng ý hạn mức tín dụng của Công ty Minh Nhật trong quý 2/2009 là 350 tỷ đồng. Để có thủ tục hồ sơ, bà Mai tiếp tục lệnh các nhân viên khẩn trương làm thêm nhiều hợp đồng kinh tế xuất khẩu khống.
Khi cán bộ ngân hàng đi kiểm tra tài sản thì chỉ xem qua loa rồi ký biên bản nên sau đó tiếp tục cho bà Mai vay thêm nhiều trăm tỷ đồng. Từ tháng 10/2008 đến 7/2010, bà Mai đã làm khống hợp đồng xuất khẩu, vay tiền tín dụng xuất khẩu ưu đãi tổng cộng 940 tỷ đồng và sử dụng 6 hợp đồng kinh tế xuất khẩu cà phê vay 65 tỷ đồng nhưng sử dụng vốn không đúng mục đích.
Tổng số vốn mà chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông đã "trút" cho Công ty Minh Nhật qua 70 hợp đồng tín dụng xuất khẩu lên đến 1.005 tỷ đồng. Số tiền này Cao Bạch Mai khai đã sử dụng trả nợ đáo hạn vay hơn 760 tỷ đồng, chi phí cho việc làm khống hồ sơ vay vốn, trích phần trăm cho lãnh đạo ngân hàng và tiêu xài cá nhân khác...
Cùng với bà Mai, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nhật Tân của Trần Thị Xuân cũng trải qua 7 lần tăng vốn điều lệ, từ khi thành lập ban đầu có 5 tỷ, sau tăng lên 20 tỷ đồng. Khi Xuân biết bà Mai có cách vay tiền lãi suất thấp nên đã nhờ giúp đỡ gặp giám đốc Hùng để cấu kết làm ăn.
Biết Công ty Nhật Tân không đủ điều kiện vay vốn ưu đãi xuất khẩu nhưng "lệnh" của giám đốc nên các cán bộ ngân hàng vẫn tìm mọi cách hợp lý hóa hồ sơ để giải ngân. Cũng bằng các thủ thuật "biến hóa" như đã làm cho Công ty Minh Nhật trước đó, các cán bộ Ngân hàng Phát triển cũng đã giúp bà Xuân được vay vốn tín dụng xuất khẩu tổng số 938,5 tỷ đồng.
Bà Xuân khai trong số đó đã trả nợ đáo hạn vay trên 658 tỷ đồng, chi phí hối lộ cán bộ ngân hàng, làm hồ sơ khống và chi tiêu cá nhân khác...
Theo nhà chức trách, nhờ sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng và các thủ thuật "biến hóa", bà Mai đã vay 1.005 tỷ đồng (đến khi bị bắt đã mất khả năng thanh toán 244,9 tỷ đồng); bà Xuân vay gần 940 tỷ đồng (đến khi bị bắt đã mất khả năng thanh toán gần 280 tỷ đồng).
Thủ đoạn đáng chú ý ở vụ án này là để có tài sản thế chấp (bằng 15% tổng dư nợ), bà Mai và Xuân thông đồng với lãnh đạo VDB Đắk Lắk - Đắk Nông cho giải ngân tiền vay trước vào tài khoản của doanh nghiệp tại một ngân hàng thương mại, rồi sau đó rút tiền doanh nghiệp nộp lại vào VDB Đắk Lắk - Đắk Nông. Việc rút tiền sau giải ngân, nộp tiền vào tài khoản thế chấp diễn ra cùng một ngày nên cán bộ ngân hàng đã để trống phần ghi thời gian trên các chứng từ...
Bà Mai và Xuân khai, đầu tháng 9/2009, giám đốc Hùng dọa cắt giảm hạn mức tín dụng cho vay đối với Công ty Nhật Tân và Minh Nhật nên họ phải đến thương lượng. Ngoài việc chi phần trăm cho lãnh đạo ngân hàng theo "luật" riêng, hai giám đốc này còn góp thêm tiền mua cho Hùng ôtô.
Sau khi biết không thể tiếp tục cho Công ty Nhật Tân và Minh Nhật vay đáo hạn như những năm trước, nên Giám đốc VDB Đắk Lắk - Đắk Nông đã giúp sức cho các nữ giám đốc doanh nghiệp ở Đắk Nông chiếm đoạt tiền của Sở giao dịch TP HCM thuộc Ngân hàng TMCP Phương Đông và Chi nhánh Ngân hàng Nam Á tại Hà Nội.
Cụ thể, cuối năm 2010, thông qua một số "cò" tín dụng tại nhiều địa phương, các "con nợ" quá hạn của VDB Đắk Lắk - Đắk Nông là bà Mai, bà Xuân, Nguyễn Thị Vân, Đặng Thị Ngân đã liên hệ vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Vũ Việt Hùng đã ký khống vào các hợp đồng tiền gửi tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông, ký khống các thông báo hạn mức cho vay để họ làm cơ sở vay vốn ngân hàng thương mại.
Trong vụ án này, Công an Đắk Nông đã làm rõ hành vi đưa nhận hối lộ là chiếc ôtô trị giá 3,2 tỷ đồng, còn lại tiền phần trăm chung chi như các bị can khai chưa chứng minh được. Công an Đắk Nông thu giữ và phong tỏa gần 690 tỷ đồng của các bị can để thu hồi cho nhà nước.
VKSND tỉnh Đắk Nông đề nghị truy tố các bị can Mai, Xuân, Đặng Thị Ngân (Giám đốc Công ty Thủy Ngân), Nguyễn Thị Vân (Chủ nhiệm HTX Sông Cầu, tỉnh Đắk Nông) và Nguyễn Thị Kim Loan (Giám đốc Công ty Phát Long, tỉnh Đăk Lăk), Nguyễn Văn Khánh ("cò" tín dụng ở TP HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Truy tố các bị can Vũ Việt Hùng (nguyên giám đốc Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông), Trần Xuân Lộc (nguyên trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu), Nguyễn Thị Hồng Liên (nguyên cán bộ tín dụng ); Lâm Hữu Hạnh (nguyên phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Sở Giao dịch TP HCM thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông), Võ Tiến Đạt (ngyên giám đốc Sở Giao dịch TP HCM), Tạ Thị Xuân Ý (cán bộ Ngân hàng TMCP Phương Đông) và Trương Đình Hải (nguyên giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, chi nhánh Hà Nội) cùng về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Riêng bị can Hùng còn bị truy tố thêm về tội Nhận hối lộ; Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân thêm về tội Đưa hối lộ.
Theo Công an nhân dân