Cập nhật lúc: 10/7/2014 12:15:21 PM

Không thể tước "vũ khí" rồi... thách đấu

Luật sư khó có thể tranh tụng tại tòa nếu trong tay họ không có công cụ chứng cứ và nắm được diễn biến vụ án. Tước vũ khí xong thách đấu thì bất lợi thuộc về ai là điều không khó để dự đoán.
 

Dư luận đang hướng sự chú ý vào việc quy định quyền im lặng của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Thế nhưng im lặng thôi chưa đủ. 
 
Trong tố tụng văn minh, nhà nước luôn để ngỏ các khả năng để nghi can bảo vệ quyền của mình và họ lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất. Khi bị tác động bất ngờ bởi công quyền, như một lẽ tự nhiên người ta co lại phòng thủ bằng quyền im lặng. Thường là những người yếu thế không có khả năng bào chữa ngay. Nhưng khi được hậu thuẫn bởi người bào chữa, lúc đó đưa ra chứng cứ, lập luận và cãi lại là một giải pháp tối ưu. 
 
Hiến pháp năm 2013 đã có bước đột phá trong các quy định về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền như khẳng định quyền tư pháp bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý còn quy định nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng. 
 
Tranh tụng ai cũng được lợi

Tranh tụng là việc một bên có quyền biết và chứng cứ và lập luận của bên kia đồng thời đưa ra các chứng cứ và lập luận để phản bác. Trên thế giới đã và đang tồn tại kiểu tố tụng này bên cạnh kiểu tố tụng truyền thống là thẩm vấn, một số quốc gia đã cấy ghép thành công yếu tố tranh tụng trong hệ thống tố tụng của mình tạo nên kiểu tố tụng pha trộn mà CHLB Đức là một ví dụ.
Đinh Thế Hưng, Luật tố tụng hình sự, quyền im lặng, suy đoán vô tội, Nguyễn Thanh Chấn
Ảnh minh họa: Ông Nguyễn Thanh Chấn, một nạn nhân bị ngồi tù oan trong 10 năm (dantri.com)
Có nhiều cách để đi tìm chân lý, nhưng đi tìm chân lý của vụ án hình sự thông qua việc cọ xát, tranh luận các ý kiến khác nhau của bên buộc tội và bên gỡ tội là một cách tố tụng nhiều quốc gia ưa thích. Bởi lẽ, nó còn bảo vệ được quyền con người.
 
Nhiều người hiểu tranh tụng chỉ là các bên tranh cãi nhau tại phiên tòa. Thế nhưng nó xuất hiện sớm hơn rất nhiều. Tranh tụng được phát động  ngay từ khi sự buộc tội xuất hiện thường là khi bắt nghi can hay khi khởi tố bị can và xuyên suốt cả quá trình tố tụng với nguyên lý lúc nào còn sự buộc tội thì còn bào chữa và tranh tụng. Ngay từ khi bắt nghi can, họ đã có quyền được biết mình bị tình nghi về tội gì và có quyền đưa ra chứng cứ và yêu cầu.
 
Tranh tụng trước hết là bình đẳng

Làm thế nào để đảm bảo tranh tụng trên cơ sở đó tìm kiếm chân lý và bảo vệ quyền con người là nỗi ưu tư của nhiều người khi nói về nó trong tố tụng hình sự Việt Nam?  Để làm được điều này phải có quan điểm hệ thống. Bởi lẽ, các quyền của nghi can và các nguyên tắc tố tụng hình sự luôn trong thể thống nhất. Quyền, nguyên tắc này luôn là tiền đề hay dựa vào đó để thực hiện. 
 
Tranh tụng không nằm ngoài nguyên lý đó. Nguyên tắc trụ cột làm tiền đề cho các nguyên tắc khác đó chính là suy đoán vô tội. Với khẳng định không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án chứ không phải bị coi là có tội cho đến khi có bản án tuyên vô tội, suy đoán vô tội là tiền đề của tranh tụng. Nếu ngay khi bị bắt, người ta đã bị coi là có tội thì không những bị đối xử như người đã có tội mà việc tranh tụng, bào chữa chỉ là “hư quyền”.
 
Tố tụng hình sự lúc đó chỉ là đi giải một bài toán có sẵn đáp số là một người có tội bắt họ đi tù. Phiên tòa chỉ là hình thức và án bỏ túi là chuyện bình thường. Chính vì vậy, suy đoán vô tội là điều kiện cần bên cạnh rất nhiều điều kiện đủ của tố tụng hình sự. Nói suy đoán vô tội xa lạ với tố tụng hình sự Việt Nam là không đúng. Hiến pháp cũng như luật tố tụng hình sự đã quy định nguyên tắc này. Chỉ có điều, nội dung của nó chưa được quy dịnh cụ thể và tinh thần của nó mới chỉ thấp thoáng trong các quy định của tố tụng hình sự và mờ ảo hơn trong thực tiễn.
 
Muốn có tranh tụng đòi hỏi quay trở lại nguyên nghĩa của tố tụng hình sự. Đây là hoạt động mà ở đó cần có sự minh định 3 chức năng: bên buộc tội – điều tra, công tố, bên gỡ tội- nghi can và luật sư, bên thứ ba làm trọng tài đưa ra phán quyết. Chính vì vậy, luật tố tụng hình sự sửa đổi cần làm rõ điều này bằng cách nâng cao vị thế của bên bị buộc tội đồng thời trả tòa án về với đúng vị trí là cơ quan xét xử chứ không phải cùng với công tố để buộc tội.
 
Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều nằm trong chỉnh thể hướng tới mục đích chung là thực hiện quyền lực của một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Việc các cơ quan này phối hợp với nhau không phải là làm hộ nhau những chức năng không phải của mình. Mỗi cơ quan làm đúng, làm tốt nhiệm vụ của mình đó chính là phối hợp. Ngược lại tranh tụng không phải là níu áo, là chọc gậy bánh xe gây khó dễ mà là phương pháp tốt nhất để đi tìm chân lý.
 
Tranh tụng diễn ra giữa bên buộc tội và gỡ tội. Điều kiện tiên quyết là phải có sự quân bình tương đối về thế và lực. Sẽ không có tranh tụng hoặc tranh tụng hình thức nếu bên bị buộc tội quá yếu đuối và phải chịu nhiều bất lợi và không có công cụ. Chính vì vậy đặt ra vấn đề cần mở rộng, nâng cao quyền bào chữa để người bào chữa tham gia tố tụng sớm nhất có thể, phải được thu thập chứng cứ. Điều này có vẻ Dự thảo luật tố tụng hình sự đi đúng hướng khi cho người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ và nhiều quyền khác. 
 
Bên cạnh đó, Luật sư sẽ khó có thể tranh tụng tại tòa nếu trong tay họ không có công cụ chứng cứ và nắm được diễn biến của vụ án.  Tước vũ khí xong thách đấu thì bất lợi thuộc về ai là điều không khó để dự đoán.
Khi tình hình tội phạm đã được kiểm soát rất tốt, khi quyền con người đã được nhà nước cam kết và nỗ lực thực hiện, khi cảm nhận quyền con người của người dân tốt hơn, khi Hiến pháp đã quy định... thì là lúc để chúng ta chủ động thiết kế một mô hình tố tụng bài bản hướng tới một nền tư pháp văn minh, nhân đạo.
Đinh Thế Hưng
 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật