Doanh nghiệp trở thành nạn nhân của chính mình khi tiếp tục đưa hối lộ, nhằm tạo một lợi thế nào đó đối với các đối thủ còn lại
Ngày 31/10/2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã phối hợp cùng UK AID tổ chức chương trình hội thảo trước đối thoại về Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 12 với nội dung “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”
Ngành nào tham nhũng lớn nhất?
Tham luận tại hội thảo, Bà Trần Thị Lan Hương (Ngân hàng thế giới) cho biết theo khảo sát, tham nhũng là một trong 3 vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay (cùng với thu nhập và giá cả sinh hoạt). 5 ngành tham nhũng nhất theo góc nhìn của doanh nghiệp là Cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, xây dựng, thuế và hải quan. Đáng buồn, đây là những ngành có quan hệ mật thiết với hoạt động thường nhật của các doanh nghiệp.
Không ngạc nhiên khi Thuế, Hải quan, cơ quan quản lý chuyên ngành là 3 cơ quan dẫn đầu về mức độ gây khó dễ đối với doanh nghiệp. Trong hầu hết các chỉ tiêu được khảo sát, các doanh nghiệp Hà Nội than phiền nhiều hơn về việc gây khó dễ của các cơ quan công quyền. Việc đưa và nhận hối lộ khiến tham nhũng trở thành một vòng luẩn quẩn, có sự tham gia khá “tích cực” của doanh nghiệp.
Như vậy là, doanh nghiệp trở thành nạn nhân của chính mình khi tiếp tục đưa hối lộ, nhằm tạo một lợi thế nào đó đối với các đối thủ còn lại.
Đưa hối lộ có thực sự hiệu quả?
Tất nhiên, về mặt tổng thể, tham nhũng chỉ làm xấu đi môi trường kinh doanh, không thực sự mang lại một hiệu quả tích cực nào đối với các doanh nghiệp.
Khảo sát cho thấy, các tỉnh thành có hiện tượng đưa hối lộ ít hơn lại có khối doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, và ngược lại. Trên bình diện các doanh nghiệp, các doanh nghiệp có tham gia hối lộ thì kinh doanh kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây, theo con số khảo sát đưa ra, là đâu thực sự là nguyên nhân, đâu là kết quả?
Phải chăng, những doanh nghiệp thực sự hoạt động hiệu quả, tự bản thân họ cảm thấy không cần thiết phải đưa hối lộ? Ngược lại, những doanh nghiệp “có vấn đề” – cần một sự hỗ trợ, ưu ái nào đó, sẽ có động lực đưa hối lộ lớn hơn. Cũng nhắc lại một con số, có tới 75% doanh nghiệp đưa hối lộ cho biết họ không nhận được sự gợi ý hay đề nghị nào từ các cơ quan công quyền.
Như vậy là, với mỗi doanh nghiệp, việc đưa hối lộ có thể ngay lập tức giúp công việc “chạy” nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Theo TS. Đặng Quang Vinh, Chuyên gia PCI, Ban Pháp chế VCCI, các doanh nghiệp ngoài phải chịu sức ép từ sự “vòi vĩnh” của các cơ quan công quyền, còn phải chịu sức ép cạnh tranh không lành mạnh khi các doanh nghiệp cùng ngành hối lộ và dành lấy những lợi thế đáng ra phải được chia đều.
Nhưng không thể để điều này trở thành tình trạng chung. Môi trường kinh doanh phải thực sự trở nên minh bạch và lành mạnh.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Conrad F. Zellmann, Phó Giám đốc điều hành Tổ chức hướng tới minh bạch (Toward Transparent) cho biết các công ty lớn trên thế giới chống tham nhũng và hối lộ đồng thời bảo vệ bản thân bằng cách xây dựng chặt chẽ hệ thống ứng phó với các rủi ro cả từ trong nội bộ và bên ngoài, rủi ro từ các nhà cung cấp. Ngoài ra, họ cũng tăng cường báo cáo công khai hệ thống phòng chống tham nhũng của họ, đồng thời tích cực tham gia vào các hành động tập thể.
Tất nhiên, vấn đề cơ chế để các doanh nghiệp có thể tham khảo các hoạt động nói trên vẫn là một câu chuyện khá dài...
Minh Thư
Theo Trí Thức Trẻ